Thách thức liên kết ASEAN-EU

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 (AEM 19) và các hội nghị liên quan đã kết thúc sau 4 ngày làm việc. Nhiều nội dung quan trọng đã đạt được giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với EU trong việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 (AEM 19) và các hội nghị liên quan đã kết thúc sau 4 ngày làm việc. Nhiều nội dung quan trọng đã đạt được giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với EU trong việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký kết Nghị định thư sửa đổi một số Hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa, giúp tăng cường tính pháp lý của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình khai thác các cam kết của ASEAN.

Hội nghị cũng thông qua các tài liệu làm cơ sở triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến hoàn thành trước năm 2016, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của các nước có dân số chiếm trên 50% dân số thế giới, chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Và việc xây dựng cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào năm 2015 sẽ tạo cơ hội cho DN mở rộng kinh doanh và hiệu quả hơn. Cùng với tiến trình này, ASEAN sẽ nỗ lực hội nhập sâu hơn nền kinh tế toàn cầu, trong đó tăng cường hợp tác với EU đóng vai trò quan trọng.

Bởi lẽ quan hệ thương mại, đầu tư ASEAN-EU được đánh giá đang phát triển tốt đẹp khi tăng 12,6%, lên 234,8 tỷ USD năm 2011; trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU vào ASEAN tăng 7,2%, đạt 18,2 tỷ USD. Năm 2012, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN và tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.

Tuy nhiên, để đi đến AEC vào năm 2015, cũng như tăng sự liên kết, hợp tác giữa ASEAN-EU là không dễ dàng. Cho đến nay, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN rất lớn, cần có sự chung tay của nội khối và sự hỗ trợ của các đối tác để thu hẹp khoảng cách này.

Đây là thách thức thường trực đối với mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Trong hợp tác với EU, ASEAN cũng gặp không ít thách thức do một số quốc gia thành viên có tốc độ tăng trưởng thấp. Và về mặt pháp lý vẫn thiếu nhất quán giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là việc thực thi luật ở nhiều thị trường còn hạn chế.

Với Việt Nam, EU đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn và Việt Nam đang xúc tiến đàm phán FTA với khu vực này. Nếu FTA với EU được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho cả 2 phía trong việc mở rộng thị trường với ít rào cản nhất, cũng như tạo thêm cơ hội cho các DN thu hút đầu tư từ các nước EU trong nhiều lĩnh vực (nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, máy móc thiết bị…).

Tuy nhiên, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi khi FTA được ký kết, mức thuế của 2 phía giảm sẽ khiến giá hàng hóa từ EU giảm mạnh. Điều này sẽ khiến việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa gặp khó khăn, thậm chí có ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được.

Các DN xuất khẩu vào thị trường EU cũng đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn ở mức độ rộng hơn.

Các tin khác