Đây được xem là trận động đất lớn nhất được Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận trên toàn thế giới kể từ trận động đất ở Nam Đại Tây Dương vào tháng 8-2021.
Những người sống sót sau thảm họa được cung cấp chỗ ở tạm tại thành phố Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
* Thời tiết khắc nghiệt cản trở nỗ lực cứu nạn
Kết nối Internet kém và đường sá hư hỏng nghiêm trọng đã cản trở đáng kể nỗ lực đánh giá và xử lý thảm họa tại các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Yunus Sezer, người đứng đầu AFAD, cho biết đã có 130 dư chấn kể từ trận động đất ban đầu, với hơn 2.830 tòa nhà bị sập. Trận động đất thứ hai chiều 6-2 mạnh 7,5 độ Richter tiếp tục làm rung chuyển khắp khu vực, gây nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ đang cố gắng kéo những người bị nạn ra khỏi đống đổ nát.
Không chỉ vậy, nhiệt độ ở một số khu vực đã giảm xuống mức gần như đóng băng chỉ sau một đêm, khiến tình trạng của những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc người sống sót vô gia cư càng tồi tệ hơn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi trận động đất là thảm họa lịch sử và là cơn địa chấn tồi tệ nhất kể từ trận động đất năm 1939 ở Erzincan làm 32.968 người chết và khoảng 100.000 người bị thương.“Mọi người đang nỗ lực hết mình bất chấp thời tiết lạnh giá để cứu nạn” - ông Erdogan cho biết.
* Các nước khẩn trương hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng huy động hàng viện trợ và đưa lực lượng cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Đoàn xe chở hàng cứu trợ của tổ chức Chữ thập đỏ ở Iraq đang trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
- Liên Minh Châu Âu (EU). Sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu đã huy động 10 đội tìm kiếm và cứu nạn đến nước này. Hệ thống vệ tinh Copernicus của EU cũng đã được kích hoạt để cung cấp các dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp. Khối này cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng ở Syria.
- Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đại hội đồng LHQ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết cơ quan này đang đánh giá nhu cầu và huy động nguồn lực để tiến hành công tác viện trợ nhân đạo, đặc biệt là ở những khu vực khó tiếp cận.
- Mỹ. Tổng thống Joe Biden cho biết các đội cứu nạn của Mỹ đã nhanh chóng đến Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai việc tìm kiếm và cứu nạn. Người phát ngôn an ninh quốc gia John Kirby cho biết Mỹ đang cử hai đội tìm kiếm và cứu hộ gồm 79 người mỗi đội, trong khi Lầu Năm Góc và USAID cũng đang phối hợp với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.
- Đức. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết nước Đức - nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ cố gắng hỗ trợ hết sức có thể. Bà cho biết Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức có thể cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và xử lý nước để giúp những người bị nạn. Máy phát điện, lều trại, mùng mền đang được chuẩn bị để đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ.
- Nga. Trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ cử các đội cứu nạn tới cả hai nước để giúp đỡ.
- Iraq và Iran. Các máy bay chở hàng viện trợ từ Iraq và Iran đã đến Sân bay Quốc tế Damascus. Hãng truyền thông nhà nước Syria SANA ngày 7-2 cho biết, hàng viện trợ của Iran đã đến Syria ngay trong đêm 6-2 và hàng viện trợ của Iraq đã được chuyển đến vào sáng 7-2 theo giờ địa phương. Mahdi Ghanem, một quan chức tại Bộ Ngoại giao Iraq, nói với SANA rằng mỗi chiếc máy bay chở khoảng 70 tấn thực phẩm, vật tư y tế, chăn màn và các vật dụng cần thiết.