Tham vọng đô thị hóa Trung Quốc

(ĐTTCO) - Các quy hoạch mở rộng của các thành phố vừa và nhỏ trên toàn Trung Quốc đã dẫn đến việc tạo hơn 3.500 khu vực mới vào năm 2030, có thể chứa đến 3,4 tỷ người, tức gần phân nửa dân số thế giới 7,4 tỷ hiện nay.

(ĐTTCO) - Các quy hoạch mở rộng của các thành phố vừa và nhỏ trên toàn Trung Quốc đã dẫn đến việc tạo hơn 3.500 khu vực mới vào năm 2030, có thể chứa đến 3,4 tỷ người, tức gần phân nửa dân số thế giới 7,4 tỷ hiện nay.

Ủy ban Quốc gia Phát triển và Cải cách Trung Quốc (NDRC), cơ quan quy hoạch trung ương Trung Quốc, vừa có báo cáo cho biết tính đến hết tháng 5, các thành phố nhỏ và vừa trên toàn quốc đã quy hoạch hơn 3.500 khu vực mới, bao gồm 17 khu quản lý ở cấp quốc gia (như khu Phố Đông Mới Thượng Hải), 500 khu phát triển kinh tế nhiều cấp, 1.600 khu công nghiệp cấp tỉnh, 1.000 khu vực mới cấp thành phố và hàng chục ngàn khu công nghiệp cấp thị trấn. Theo tính toán, 3.500 khu vực mới này có thể chứa được 3,4 tỷ người, tức gấp 2,5 lần dân số 1,4 tỷ hiện nay của Trung Quốc. Nhiều thành phố vừa và nhỏ đặt mục tiêu tăng gấp đôi dân số từ năm 2020-2030, đi ngược dự báo dân số tăng trưởng chậm, dù gần đây Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh thêm con thứ hai. Các viện nghiên cứu cũng đưa dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 trước khi giảm dần còn 1,6 tỷ người vào năm 2050.

Tân Hoa Xã công bố chi tiết phát hiện của NDRC và chỉ trích quy hoạch các khu vực mới là không khả thi và đặt câu hỏi "Ai sẽ sống trong đó?". Theo dự báo, Bắc Kinh đã đặt hy vọng cao vào việc đô thị hóa sẽ là động cơ mới cho tăng trưởng, khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn trưởng thành và phát triển chậm lại. Nhưng số lượng thành phố đổ xô tham gia làn sóng đô thị hóa đã vượt kế hoạch của chính phủ trung ương. Việc mở rộng khi Trung Quốc chuẩn bị cho thêm 100 triệu người di chuyển từ nông thôn ra đô thị vào cuối thập niên này, theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 60% dân số sống ở các thành phố và 45% cư dân sẽ đăng ký hộ khẩu thành thị.

Thành phố Ordos ở khu tự trị Nội Mông có nhiều công trình lớn nhưng vắng bóng người.

Thành phố Ordos ở khu tự trị Nội Mông có nhiều công trình lớn nhưng vắng bóng người.

Nhưng ngay cả trong số những người sẵn sàng nhập cư các thành phố, có rất ít người sẵn sàng sống ở thành phố vừa hoặc nhỏ. Một báo cáo của NDRC về đô thị hóa đã phát hiện rằng, mọi người có xu hướng đến các đô thị lớn với nhiều cơ hội hơn, với 70% lao động nhập cư cho biết sẽ đến các thành phố lớn và chưa đến 10% sẽ đến những thành phố vừa hoặc nhỏ. Wang Yukai, giáo sư Trường Hành chính Quốc gia, cho biết các động lực chính của đô thị hóa là cư dân nông thôn chuyển đến thành phố, nhưng không có cách nào để họ có thể lấp đầy mục tiêu 3,4 tỷ người. Dù không có các khu vực mới, Trung Quốc đã có cung nhà ở lớn hơn cầu và các "thành phố ma" đã gia tăng nhanh chóng. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng hơn 10 triệu đơn vị nhà ở mới mỗi năm, vượt xa nhu cầu ước tính chưa đến 8 triệu.

Chủ tich Hội Quy hoạch Đô thị Nam Trung Quốc Hu Gang cho biết, các kế hoạch mở rộng rõ ràng không thực tế, quy hoạch thừa được thúc đẩy do các chính quyền địa phương muốn có thêm nguồn thu từ đất, đặt mục tiêu cư dân cao hơn có thể giúp họ phân bổ thêm đất xây dựng. Trong con mắt của các nhà phê bình, làn sóng bùng nổ nhà ở của Trung Quốc đã trở thành một thảm họa. Nhiều người dân bỏ tiền đầu tư vào bất động sản nhưng cuối cùng bị trắng tay. Những tòa nhà hiện đại mọc lên nhưng không bán được, đã khiến nhiều chủ đầu tư phải bỏ của chạy lấy người. 

Các tin khác