Trong cuộc khủng hoảng gần đây nhất, Trung Quốc đã thành công trong việc nâng tầm vị thế. Những năm đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các gói kích thích của Trung Quốc đã trở thành động cơ chính của tăng trưởng toàn cầu. Nước này cũng vươn lên cùng với vai trò toàn cầu ngày càng lớn của G-20 và chứng minh rằng những giá trị mà họ theo đuổi cũng không thua kém gì phương Tây.
Đó có thể là nhận định của nhiều người hay ít nhất cũng là cách mà nhiều nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận thấy. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ cũng tìm cách biến cuộc khủng hoảng hiện nay trở thành lợi thế cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Rất nhiều người trên thế giới đang đổ lỗi cho Chính phủ Trung Quốc cố tình giấu diếm thông tin về Covid-19 khi nó bùng lên cuối năm ngoái, đầu năm nay. Dù Bắc Kinh luôn phủ nhận nhưng điều này vẫn không xóa bỏ được hoài nghi của rất nhiều người.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc có thể chỉ vào các nước phương Tây và nói rằng: "Họ đã phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu". Lần này, Trung Quốc sẽ phải chứng minh rằng họ có thể sửa chữa những gì mà thế giới đang loay hoay vì loại virus bùng lên ở Vũ Hán này. Họ sẽ phải đưa ra một lập luận tích cực cho sự lãnh đạo toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ chăm lo những thứ ở nhà đã không còn đủ với Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng gần nhất, 4.000 tỷ tệ đã được bơm ra để thúc đẩy nhu cầu và nâng giá hàng hóa lên mức cao mới trên toàn cầu, điều khiến nhiều quốc gia nổi lên. Các công ty nhận được gói kích thích của Trung Quốc đã lang thang khắp thế giới và đầu tư lớn ở các nền kinh tế có tiềm năng sản xuất mạnh. Ngày nay, Trung Quốc có ít tiền hơn để ném. Theo Bloomberg Economics, Trung Quốc có thể sẽ có cách tiếp cận toan tính hơn với các biện pháp kích thích lần này.
Trong khi đó, cách làm của Trung Quốc trong quá khứ cũng để lại một số vấn đề. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn và con nợ của họ cũng có rất nhiều nàm trong nhóm những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia vay nợ Trung Quốc đang bị đại dịch ép vào tình cảnh phải chọn lựa giữa "chết và vỡ nợ".
Điều này cản trở những nỗ lực toàn cầu trong việc giúp đỡ các quốc gia này chống lại dịch bệnh. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) muốn các chủ nợ tạm thời đình chỉ việc thanh toán các khoản nợ. Bộ trưởng Tài chính các nước trong Liên minh châu Phi cũng muốn điều tương tự.
Tuy nhiên, việc xóa nợ hoàn toàn là vô cùng phức tạp vì người ta sợ rằng bất cứ khoản thanh toán nào trên thực tế sẽ bảo lãnh cho các khoản vay từ Trung Quốc hoặc bảo vệ doanh thu của các nhà đầu tư Trung Quốc tại nền kinh tế đó. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phàn nàn rằng những gói IMF tài trợ cho Pakistan không nên được dùng để bảo lãnh cho trái chủ Trung Quốc hoặc chính Trung Quốc.
Theo nhiều cách, đây là cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nhiều đối với các thị trường mới nổi so với năm 2008. Hiện tại, tỷ lệ nợ trên GDP của các thị trường mới nổi ở mức 220% GDP, tăng mạnh so với mức 147% GDP năm 2007. Thậm chí, có người còn nói rằng chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi tồi tệ nhất trong lịch sử.
Các thị trường mới nổi là nơi mà Bắc Kinh dành nhiều năm để tìm hiệu xem liệu Trung Quốc có thể hành động như một nhà lãnh đạo toàn cầu thực thụ hay không. Gửi một hoặc hai chiếc máy bay mang khẩu trang tới những nước này rõ ràng không đủ để thể hiện điều đó.
Câu hỏi hiện nay là Trung Quốc sẽ cứu trợ các nước gặp khó khăn, nợ nần trong nhóm đang phát triển? Bắc Kinh sẽ mua trái phiếu của họ và miễn các khoản nợ của họ? Trung Quốc sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước chịu thiệt để bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành như dược phẩm và thiết bị y tế? Trung Quốc sẽ cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay trị giá nhiều tỷ USD, cho phép các công ty ở các thị trường mới nổi chuyển sang sản xuất máy thở, khẩu trang và dụng cụ bảo hộ?
Nếu câu trả lời là "Không", nhóm các nước đang phát triển sẽ có lời đáp cho số phận của mình.
Hiện nay, các ngân hàng phương Tây cũng như các tổ chức đa phương vẫn chưa hành động như thể các quốc gia mới nổi đang trong khủng hoảng. Tuy nhiên, họ vẫn có cơ hội được nhận tiền từ các tổ chức đa phương này. WB mới đây đã phê duyệt khoản vay 1,9 tỷ USD khẩn cấp, trong đó có 1 tỷ USD dành cho hệ thống y tế của Ấn Độ.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, tổ chức tham vọng quốc tế do Trung Quốc hậu thuẫn, lại mới chỉ cho vay 355 triệu USD để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Bắc Kinh và Trùng Khánh. Khoản tiền này dường như khá nhỏ so với tham vọng trở thành một tổ chức toàn cầu mà AIIB theo đuổi.
Thế giới các nước đang phát triển dường như không quan tâm tới việc Trung Quốc có che giấu thông tin về dịch bệnh hay không. Họ cũng có thể bỏ qua những thuyết âm mưu khác. Tuy nhiên, họ cần có lý do để làm vậy, điều mà Trung Quốc chưa thực sự khiến họ thỏa mãn.