Lang thang làng cổ Cốc Thôn
Tới làng Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội, không khó để tôi tìm thấy dấu tích của những công trình đá ong hiện ra những nét xưa hoài cổ. Đặc biệt đá ong là chất liệu dùng để xây dựng đến 90% số ngôi nhà cổ ở làng này. Tại đây, mỗi con ngõ đều có những bức tường đá ong, có những bức tường đã bong lở hết phần vôi vữa, để lộ ra là hình hài những viên đá ong xếp chồng lên nhau. “Đá ong thường dùng để xây móng nhà, một số hộ dùng để xây tường nhà, tường quanh sân” - ông Lê Văn Hội, 68 tuổi chủ nhân của một căn nhà cổ có tuổi đời trên 200 năm cho biết.
Ngôi nhà của ông Hội tương đối thấp, rộng 5 gian với sân vườn, giếng nước được quy hoạch đúng kiểu Bắc bộ ngày xưa. Điều đặc biệt, ở ngôi nhà này là 4 bức tường đều được xây dựng theo kiểu đá ong kết hợp với gạch cổ. Đá ong dùng xây móng, đến phần trên xem kẽ với gạch cổ. Những hòn đá ong xù xì, lỗ chỗ được người xưa xây hoàn toàn thủ công. Bằng sự kết hợp tài tình với gạch cổ to bản, xếp chồng lên nhau có độ dầy lên đến 40cm. Tất cả tường, móng đều không chát vữa, tạo ra nét khác biệt thú vị.
Đá ong là chất liệu dùng để xây dựng đến 90% số ngôi nhà cổ ở làng.
Cách ngôi nhà cổ của ông Hội chừng 30m, là căn nhà cổ trên 300 năm tuổi của ông Nguyễn Bá Tạo. Căn nhà gia đình ông Tạo hiện nay đang sống thuộc loại nguyên bản nhất ở Cốc Thôn. Ông cho biết, nếu tính cả làng cổ Đường Lâm cũng không có căn nhà cổ nào nguyên bản như nhà này. Bên Đường Lâm, hầu hết các ngôi nhà đã được tu sửa và thay mới một số hiện vật.
“Đá ong đã ở có đây từ ngàn đời. Người ta có thể đào được đá ong ở rất nhiều nơi như: ngoài đồng, chân núi, dưới vườn nhà. Với đặc tính bền, nhẹ lại sẵn có nên nhiều gia đình ở Cốc Thôn xưa đã dùng đá ong để xây dựng nhà cửa” - ông Tạo bật mí. Đặc biệt, căn nhà làm bằng đá ong luôn giữ được hơi ấm vào mùa đông, sự mát mẻ khi sang hè. Khi có giông, bão sức chịu đựng tốt hơn nhiều so với nhà xây bằng gạch, vôi vữa thông thường. Ở Cốc Thôn hiện nay nhà cổ đá ong có tuổi đời 300 năm còn trên 10 cái. Nhưng nếu tính nguyên bản như căn của gia đình ông Tạo chỉ còn đúng 3 căn mà thôi.
Nghề mưu sinh
Bao năm nay, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất được nhắc tới như một công xưởng đá ong với đủ nghề mưu sinh và cả sáng tạo nghệ thuật. Đi dọc con đường dài hơn 5km chạy qua xã, tôi đã thấy trên 100 xưởng nghề với những lao động làm công việc liên quan đến đá ong. Tại một căn nhà 2 tầng được xây hoàn toàn bằng đá ong, anh Trần Văn Đức cho biết đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề xây dựng đá ong.
Một ngượi thợ xây chính như anh Đức mỗi ngày kiếm được 500.000-600.000 đồng, công việc cũng khá ổn định. Xây nhà đá ong đòi hỏi sự kỳ công hơn rất nhiều so với xây gạch hay đổ bê tông cốt thép. Sự cầu kỳ của một công trình đòi hỏi người ta phải đẽo những hòn đá ong thật chuẩn, kỹ thuật chít mạch rất tinh tế và cả con mắt sáng tạo nghệ thuật trong lúc xây dựng nữa. Sau khi xây xong một đoạn tường, thợ phải dùng máy xén cho những hàng đá ong phẳng và đều tăm tắp.
Anh Đức đến với nghề xây nhà đá ong như một sự nối tiếp truyền thống của gia đình. Bố anh đã từng là một thợ xây đá ong nổi tiếng vùng xứ Đoài trước đây. Một số thanh niên ở Bình Yên chưa có tay nghề thì sẽ được các xưởng nhận vào để chuyên đẽo đá ong. Công việc đẽo các viên đá ong vô cùng vất vả, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng. Nhưng ai cũng cảm thấy vui vì đã kiếm được tiền từ chính thứ quen thuộc với quê hương.
Ngày càng có nhiều hộ dân ở các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Thị xã Sơn Tây muốn tìm về chất liệu đá ong như cha ông mình để xây dựng nhà. Để lưu giữ lại hồn cốt và nét văn hóa kiến trúc đặc trưng của người Xứ Đoài, năm 2010, anh Nguyễn Xuân Biên, đã bỏ ra hơn 9 tỷ đồng để xây dựng 2 ngôi nhà đá ong với mặt sàn rộng hơn 200m2. Ở nhiều ngôi làng xứ Đoài, xưa kia người ta có thể xây nhà, tường vây, cổng làng, mồ mả, giếng nước… bằng đá ong. Đến nay, đã xuất hiện cả xưởng sáng tạo, chế tác đá ong thành tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2012, ông Tăng Hữu Dũng ở Bình Yên, Thạch Thất đã mở xưởng chế tác đá ong. Ông Dũng cùng ông Nguyễn Văn Nghiêm đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm đá ong đẹp, độc đáo. Từ những tảng đá ong vô hồn vô cảm, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đục đẽo thì các tác phẩm nghệ thuật lần lượt ra đời. Nào là tượng 12 con giáp, nghê đá ong, tượng thầy trò Đường Tăng, cho đến bông hoa sen trong chùa, biểu tượng Khuê Văn Các…Ông Dũng tâm sự: “Làm nghề này trước tiên phải đam mê, thích và chịu được khổ. Có hôm tôi và các anh em phải dãi nắng cả ngày để đục đẽo cho bằng được vài họa tiết theo ý tưởng trong đầu mình”.
Trên những con đường làng tại các vùng quê xứ Đoài, đi đến đâu tôi cũng bắt gặp một thứ gì đó liên quan đến đá ong. Dẫn chúng tôi lên chùa Tây Phương là những hàng bậc xây bằng đá ong cổ kính. Những gian nhà chính điện, hậu điện, nơi sắp lễ… ở chùa Tây Phương đều có nền móng xây từ đá ong. Thời gian, mưa nắng đã làm cho những nền chùa đá ong không còn vàng óng như thủa ban đầu, thay vào đó là màu rêu phong. Những viên đá ong hiện diện chốn tâm linh này từ hàng trăm năm qua và nó vẫn ở đó như thách thức với thời gian.