Khảo sát về Chỉ số tin cậy thương mại toàn cầu của HSBC (Ngân hàng Hồng Kông & Thượng Hải) vừa công bố cho thấy các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu trên toàn cầu vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 6 tháng tới, mặc dù vẫn lo ngại về chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm và nhu cầu tiêu dùng không ổn định.
Trong nửa đầu năm 2011, chỉ số được giữ khá ổn định ở mức 114 điểm (1H11) so với 116 điểm nửa cuối năm 2010 (2H10). Mức độ lạc quan được ghi nhận cao nhất tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ (140), Saudi Arabia (132) và Mexico (125).
Trong khi đó, mức độ tin tưởng vào triển vọng giao thương tại các thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng khá chắc chắn, như Trung Quốc (114), Đức (107) và Hoa Kỳ (111). Riêng tại thị trường Việt Nam có giảm nhẹ nhưng vẫn đạt 116 điểm.
Trong lần khảo sát này có tổng cộng 21 thị trường tham gia, bao gồm những nền kinh tế quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Mỹ Latin, Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là cuộc khảo sát Chỉ số tin cậy thương mại lớn nhất trên toàn cầu được tiến hành từ trước tới nay, với 6.390 doanh nghiệp kinh doanh quy mô vừa và nhỏ tham gia khảo sát.
Kết quả khảo sát được tính Chỉ số tin cậy thương mại từ 0 đến 200 điểm, trong đó 200 thể hiện mức độ tin cậy cao nhất và 100 là trung bình. Khảo sát của HSBC cho thấy tính kiên định của khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời kỳ giá nguyên liệu, lương, chi phí vận chuyển, lãi suất tăng cao và nhiều khả năng nhu cầu của người tiêu dùng bị sụt giảm.
Với Việt Nam, nửa đầu năm 2010 chỉ số này đạt 132 điểm (cao nhất trong 5 kỳ khảo sát), nhưng giảm 10 điểm còn 122 điểm vào nửa cuối năm 2010 và giảm tiếp 6 điểm đạt 116 vào nửa đầu năm 2011. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy các nhà kinh doanh tại Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng giao thương, nhưng vẫn thận trọng trước những khó khăn trong thời gian tới. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam được hỏi đều kỳ vọng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (70% 1H11 so với 69% ở 2H10).
Tuy các doanh nghiệp tại 21 thị trường tham gia khảo sát vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giao thương nói chung, nhưng họ lại có nhiều quan ngại hơn với những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp. Chẳng hạn rủi ro thanh toán từ phía người mua và người bán không tuân thủ các thỏa thuận thương mại. Để bảo vệ mình khỏi các rủi ro về thanh toán từ phía người mua, số lượng các doanh nghiệp chọn giải pháp đưa ra các kỳ hạn linh động tăng đáng kể (đạt mức 38% so với 14% ở 2H10), hoặc hạn chế giao thương với một số đối tác nhất định (25% so với 7% ở 2H10).
Thêm vào đó, họ cũng chấp nhận những đơn hàng nhỏ hơn để giảm thiểu rủi ro cho mỗi giao dịch, yêu cầu thanh toán trước và sử dụng nhiều công cụ tài trợ thương mại thông qua các ngân hàng.