Thận trọng tìm đối tác chiến lược

(ĐTTCO) - Dù vốn ngoại đang đổ vào NH Việt Nam, nhưng nhiều NH nằm trong danh sách mua bán sáp nhập (M&A) vẫn chưa có thêm nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Các nhà băng này đang chờ cổ đông chiến lược, gắn bó lâu dài, tham gia quản trị điều hành, cải tiến công nghệ sản phẩm giúp NH thực sự vững mạnh.
Làn sóng vốn ngoại
Tháng 8-2017, HSBC là cổ đông nước ngoài nắm khoảng 172,4 triệu cổ phần (19,41%) tại Techcombank đã thoái sạch vốn và NH đã mua lại dưới dạng cổ phiếu quỹ. Theo đó, tỷ lệ sở hữu NĐT ngoại tại Techcombank trở về 0%. Song, tháng 3 năm nay, Warburg Pincus đã đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank.
Đồng thời, trong đợt IPO của Techcombank, quỹ GIC của Singapore, Dragon Capital và Fidelity Management cũng muốn đàm phán để trở thành NĐT chủ chốt, khi đăng ký tới 76% cổ phiếu. Theo thông tin tại buổi giới thiệu niêm yết, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại Techcombank đã lên mức 22,5%. 
 Những NH tái cơ cấu cần gia tăng thêm sức mạnh, trong khi dòng vốn ngoại vào NH Việt ngày càng nhiều nhưng đa số đầu tư ngắn hạn. Đến thời điểm nào đó cảm thấy cần phải chốt lời, họ sẽ bán cổ phần, rút vốn. Nguồn vốn ngoại đầu tư dưới hình thức đó dù giúp NH thêm vốn, nhưng không hỗ trợ được NH trong phát triển công nghệ, nâng cao năng lực quản trị điều hành, tiến tới một NH đạt chuẩn mực quốc tế.
TS. TRẦN DU LỊCH, 
thành viên Hội đồng Tư vấn
chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Tại ACB, sau hơn 10 năm đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của ACB, Standard Chartered Bank đã thoái vốn khỏi NH này vào tháng 1-2018. Dù vậy, số cổ phần này đã được chuyển nhượng ngay cho 4 NĐT ngoại là Estes Investments Limited, Sather Gate Investments Limited, Boardwalk South Limited và Whistler Investments Limited. Trong 1 năm trở lại đây, việc hút vốn từ NĐTNN cũng diễn ra thuận lợi tại VPBank, TPBank…
Năm 2016, sau 4 năm rưỡi hợp nhất và tái cơ cấu, SCB cho biết đã được NHNN chấp thuận bán cổ phần cho NĐTNN 50% vốn điều lệ. Năm 2017, NH đã đàm phán với 6 NĐT, bao gồm các NH, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm đến từ Na Uy, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc.
Bên cạnh đó 1 quỹ đầu tư ngoại đề nghị mua 15% cổ phần của SCB và NH cũng kỳ vọng tìm được tiếng nói trong cuộc đàm phán với 2 NĐT tiềm năng của Trung Quốc và Indonesia. Theo dự kiến, SCB sẽ trình kế hoạch bán cổ phần lên NHNN xin phê duyệt và dự định hoàn tất thương vụ vào giữa năm nay. Dù vậy, tại ĐHCĐ năm nay, NH vẫn chưa công bố thông tin mới về việc bán cổ phần cho NĐTNN. Tương tự, sau M&A đến nay SHB, Maritime Bank vẫn chưa hợp tác với đối tác ngoại.
Thận trọng tìm đối tác chiến lược ảnh 1 Giao dịch tại SCB. 
Mỗi NH một chiến lược
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết sẽ gọi vốn ngoại sau khi kết thúc quá trình tái cơ cấu sau hợp nhất vào năm 2019. Bởi khi đó năng lực của NH đã được củng cố, có lợi thế hơn trong việc gọi vốn, mang lại lợi ích cao hơn cho NH và cổ đông, tiếp theo sau đó sẽ tính đến chuyện lên sàn. Hiện tại NH đang tiến hành tái cơ cấu, quỹ dự phòng rủi ro của NH đã đạt hơn 6.500 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục gia tăng trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu nhận lại từ các khoản nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý hết.
Tương tự, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết đã có nhiều đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề nhưng quan điểm của SHB là cổ đông nước ngoài phải thực sự chiến lược, tham gia quản trị điều hành, công nghệ sản phẩm. Nếu đối tác nước ngoài vào với danh nghĩa chiến lược nhưng chỉ là đầu tư ngắn hạn, không mang tính lâu dài không phù hợp quan điểm tìm đối tác chiến lược của SHB. 
Trước đó, HĐQT SHB cũng nhiều lần khẳng định sẽ thận trọng xem xét, đánh giá nhu cầu của các NĐT nhằm chọn lựa NĐTNN thực sự có nhu cầu đầu tư dài hạn, bền vững, có thể hỗ trợ HĐQT về nâng cao năng lực quản trị, điều hành NH.
Về phía Maritime Bank, lãnh đạo NH cho biết đang tập trung kế hoạch lên sàn vào năm 2019. Hiện NĐTNN đánh giá cổ phiếu Maritime Bank ở mức rất cao. Như vậy, nếu lên sàn được như dự kiến, Maritime Bank cũng sẽ có điều kiện hút được lượng vốn ngoại tương tự nhiều NH niêm yết gần đây.
Theo các chuyên gia tài chính NH, việc một số NH hậu M&A thận trọng và chờ cơ hội tốt để tìm đối tác ngoại cũng như hướng đến đối tác chiến lược là điều hợp lý. Bởi lẽ, sau khi M&A, các NH đã phải chịu trả giá về nợ xấu, sụt giảm lợi nhuận và mất đến vài năm để khắc phục. Sau giai đoạn tái cơ cấu hậu M&A, nền kinh tế sẽ có một NH mới mạnh hơn, phát triển ổn định và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, NĐT. Chờ đến khi NH mới thật sự ổn định và vững mạnh, nhu cầu trở thành NĐT chiến lược của đối tác ngoại cũng sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận. 
Về phía các NH, hiện nay, các NH ngoại không còn tập trung nhiều vào M&A hay trở thành đối tác chiến lược với NH nội như trước, mà tập trung hơn vào phát triển tự thân. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài lại có xu hướng tích cực tham gia đầu tư vào các NH nội có tiềm năng phát triển, quản trị lành mạnh và hệ thống tài chính minh bạch. Đây là những đối tác tiềm năng các NH nên dành thời gian tìm hiểu và đàm phán để tiến tới hợp tác chiến lược lâu dài.

Các tin khác