![]() |
Ảnh TTXVN. |
Theo nhận định của các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 5, do giá cả hàng hóa tăng ở mức cao nên thị trường kém sôi động hơn so với mọi khi.
Mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ lễ kéo dài (ngày 30-4 và 1-5) nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt hơn 156.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,68% so với tháng tư, là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Điều đó cho thấy sức mua hàng hóa và dịch vụ tăng khá thấp do xu hướng tiết giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao.
Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, tính đến ngày 27-5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 5 tháng đầu năm đạt 762.716 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2010; trong đó, nhóm thương nghiệp (nhóm có tỷ trọng cao nhất) có mức tăng lớn nhất là 23,6% nên đã hỗ trợ cho mức tăng chung. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng chung trong năm tháng chỉ còn 6,4%.
Mặc dù áp lực tăng giá hàng hóa tiêu dùng đang có xu hướng giảm nhưng việc điều hành không thể chủ quan bởi thị trường hàng hóa vẫn tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là áp lực giá của nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đáng chú ý là giá xăng dầu và phân bón.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch lở mồm long móng tuy đã từng bước được khống chế nhưng dịch bệnh tai xanh lại đang lan nhanh, gây ảnh hưởng tới mặt hàng thực phẩm. Nhập siêu tiếp tục gia tăng ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, gây sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ.
Ngoài ra, nhu cầu du lịch gia tăng trong những tháng hè; áp lực thực hiện giá thị trường một số mặt hàng điện, than và xăng dầu vẫn tiếp tục; đặc biệt chi phí đầu vào của sản xuất vẫn cao, trong đó áp lực vốn và lãi suất ngân hàng rất cao.
Do đó, trong lúc giá một số mặt hàng thiết yếu khá ổn định, để khống chế lạm phát, điều kiện mấu chốt hiện nay là phải hạn chế lãi suất cho vay tăng “nóng,” đồng thời thực hiện đồng bộ và quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ, cắt giảm chi tiêu công; đình, giãn, hoãn một số công trình.
Các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý.