Chỉ vài ngày sau khi Thế vận hội Tokyo kết thúc, Nhật Bản dường như đứng trước một thảm họa Covid-19. Ngày 13-8, thủ đô Tokyo ghi nhận kỷ lục với 5.773 ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu là do biến chủng Delta gây ra. Trên toàn quốc, tổng số trường hợp nhiễm được báo cáo vượt quá 25.000.
Các bệnh viện Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. Tình trạng thiếu giường bệnh buộc hàng nghìn người có kết quả dương tính với virus phải tự điều trị và một số đã tử vong tại nhà.
Sự tăng vọt các ca mắc mới càng gây phẫn nộ ở nhóm công chúng phản đối tổ chức Thế vận hội giữa đại dịch.
Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yoshihide Suga, người đã thúc đẩy tổ chức sự kiện thể thao hàng đầu thế giới, phải từ chức trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý đã xảy ra ở Nhật Bản vào hai tháng sau khi Nhật hoàng Naruhito tuyên bố kết thúc Thế vận hội. Gần hai tuần kể từ khi những biện pháp khẩn cấp cuối cùng được dỡ bỏ, các ca mắc mới liên tục giảm mạnh ở Tokyo và trên toàn quốc.
Trong khi một số nước châu Âu vẫn vật lộn để ngăn chặn dịch bệnh, Nhật Bản chứng kiến tổng số trường hợp mới được ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.
Điều này làm dấy lên niềm hy vọng rằng điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Guardian đưa tin.
Thay đổi bất thường
Hôm 11-10, Nhật Bản ghi nhận 369 ca mắc mới. Tokyo báo cáo 49 trường hợp nhiễm, con số trong ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 6-2020. Vào tháng 8, từng có ngày thủ đô này ghi nhận tới 5.000 ca mắc mới một ngày.
Các chuyên gia cho rằng không có yếu tố nào có thể giải thích sự thay đổi bất thường của Nhật Bản.
Tuy nhiều, nhiều người đồng ý dù có khởi đầu chậm chạp, việc triển khai tiêm chủng ở Nhật Bản đang dần chuyển sang chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng đầy ấn tượng.
Và mặc dù trong lịch sử, Nhật Bản từng ghi nhận nhiều vụ bê bối vaccine ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, quá trình triển khai tiêm chủng Covid-19 gặp rất ít sự phản đối.
Cho đến nay, Nhật Bản đã tiêm vaccine cho gần 70% dân số trong tống số 126 triệu dân. Chính phủ nước này cho biết vaccine sẽ được cung cấp cho tất cả người có nguyện vọng tiêm chủng vào tháng 11.
Tân Thủ tướng Fumio Kishida trong tuần này cũng thông báo kế hoạch chuẩn bị cho mũi tiêm thứ 3 cũng được thúc đẩy để có thể triển khai sớm nhất từ tháng 12, bắt đầu với nhân viên y tế và người già.
Một yếu tố khác được các chuyên gia đề cập đến là sự phổ biến của việc đeo khẩu trang - một thói quen đã ăn sâu của người Nhật vào mùa cúm, ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện.
Trong khi các quốc gia khác giảm yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và một số địa điểm sau khi tỷ lệ dân số tiêm chủng tăng cao, hầu hết người Nhật vẫn cảm thấy “rùng mình" khi nghĩ đến việc mạo hiểm không đeo khẩu trang.
Đeo khẩu trang đã là thói quen của người Nhật ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện. Ảnh:AFP. |
"Sự bình thường" đang trở lại
Tình trạng khẩn cấp từng được áp đặt ở thủ đô và nhiều khu vực khác tại Nhật Bản trong gần 6 tháng. Vào đầu tháng 9, nhiều người thậm chí còn dự đoán các biện pháp nghiêm ngặt có khả năng được gia hạn một lần nữa.
Theo Guardian, bầu không khí “thoải mái" hơn trong thời gian diễn ra Thế vận hội có thể đã dẫn đến làn sóng dịch vào mùa hè này ở Nhật Bản, với nhiều nhóm tụ tập tại các địa điểm ngay cả khi họ không được phép vào.
Ông Hiroshi Nishiura, giáo sư tại Đại học Kyoto, và là cố vấn về bệnh truyền nhiễm cho chính phủ, cũng nhận định số ca tăng vọt trong mùa hè sau đó giảm bắt nguồn từ xu hướng hoạt động của con người.
“Trong kỳ nghỉ lễ, chúng ta gặp gỡ nhiều người và hơn thế nữa là cơ hội cùng ăn uống trong môi trường trực tiếp”, ông Nishiura nói.
Trong khi đó, ông Kenji Shibuya, cựu giám đốc của Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học King London (Anh), lại phân tích: “Làn sóng Covid-19 chủ yếu bị tác động bởi tính thời vụ, tiếp đó là việc tiêm vaccine và một số đặc tính của virus mà chúng ta chưa khám phá được”.
Hiện tâm trạng lạc quan và cảm giác “bình thường” đang quay trở lại với người dân Nhật Bản.
Các quán bar và nhà hàng từng vật lộn để tồn tại trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp giờ đây được phép mở cửa trở lại và phục vụ đồ uống có cồn, mặc dù chính phủ vẫn khuyến khích đóng cửa sớm.
Các ga đường sắt, tàu điện ngầm lại chật cứng người đi làm do nhiều công ty không còn cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Du lịch nội địa không còn được xem là rủi ro lớn.
Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 9. Ảnh:Reuters. |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sẽ thật “ngu ngốc” nếu tự mãn cho rằng nguy cơ đã qua đi. Một số cảnh báo ca mắc Covid-19 có thể tăng trở lại khi mùa đông đến gần, thời tiết lạnh hơn và mọi người tụ tập tại các quán bar, nhà hàng thông gió kém trong mùa tiệc tùng văn phòng.
“Tình trạng khẩn cấp kết thúc không có nghĩa là chúng ta được tự do 100%”, Shigeru Omi, Cố vấn y tế của chính phủ Nhật Bản, cho hay. "Chính phủ nên gửi một thông điệp rõ ràng đến người dân rằng chúng ta chỉ có thể nới lỏng dần dần".
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy công chúng kỳ vọng chính quyền mới của ông Kishida sẽ ưu tiên vấn đề sức khỏe cộng đồng, bao gồm việc phê duyệt sớm các loại thuốc kháng virus và tăng cường năng lực hệ thống y tế để đối phó với một đợt bùng phát dịch trong tương lai.