Tại Hội nghị lần thứ 9 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI tổ chức sáng 14-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng báo cáo tóm tắt tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM.
Hiện nay, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, một trong những nhiệm vụ quan trọng của TPHCM là dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế, khắc phục những thiệt hại do dịch gây ra. Từng bước trở lại trạng thái phát triển kinh tế - xã hội trước đây và tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra.
Theo bà Phan Thị Thắng, để thực hiện được nhiệm vụ này, cần huy động các nguồn vốn đầu tư tham gia vào quá trình đầu tư phát triển kinh tế TPHCM.
Theo đó, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả kết hợp với nâng cao vai trò “vốn mồi”, kích thích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt trong toàn bộ tiến trình phục vụ kinh tế TPHCM.
Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội tham gia đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn TPHCM.
Hiện nay nguồn vốn đầu tư công của TPHCM có hạn, chưa thể đáp ứng đủ vốn đầu tư trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở xác định tính quan trọng, cấp bách, hiệu quả sử dụng vốn của từng dự án cũng như khả năng cân đối vốn thực tế của TPHCM, cùng với chiến lược kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong quá trình tái khởi động, mở cửa lại nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết về phương án bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách TPHCM có thể huy động (khoảng 119.410 tỷ đồng).
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trên địa bàn TPHCM là 716.602 tỷ đồng - chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài…
Trong đó, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương đề xuất bố trí là 43.740 tỷ đồng, TPHCM cần phải cân đối 672.862 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, để phục vụ đầu tư theo đúng định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của TPHCM.
Theo đó, đối với nguồn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM sẽ bố trí đầu tư cho 2 dự án khép kín vành đai 2 TPHCM.
Đối với số vốn bổ sung từ các nguồn vốn huy động khác sẽ ưu tiên xem xét bố trí cho các dự án: Các dự án còn lại thuộc danh mục các dự án thực hiện 51 chương trình, đề án thành phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI về 4 chương trình phát triển TPHCM (có 203 dự án, dự kiến vốn cần đầu tư là 122.512 tỷ đồng); các dự án theo đề xuất của UBND các quận huyện và TP Thủ Đức; ngoài ra bố trí vốn đầu tư cho các dự án phục vụ cho hoạt động an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội theo thứ tự ưu tiên trong từng lĩnh vực cụ thể.
Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho biết thêm, các giải pháp huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư công, trong đó tăng cường khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách TPHCM. Huy động các nguồn lực đầu tư từ quỹ đất công và tài sản công, trong đó tổ chức đấu giá đối với các khu đất TPHCM đã có chủ trương, đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, các dự án đã có đủ điều kiện thu tiền sử dụng đất nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt đề án quản lý đất đai, trong đó đề xuất thu hồi, mở rộng ranh dự án, bán đấu giá nhằm có thêm kinh phí thực hiện dự án. Song song với đó, TPHCM huy động các nguồn lực đầu tư thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tạo đột phá trong xã hội hóa đầu tư và thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư các dự án trọng điểm như: Dự án cầu Cần Giờ, dự án cầu Thủ Thiêm 4, dự án đường trên cao - tuyến số 1, dự án xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD. Đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cụ thể, TPHCM thực hiện kêu gọi đầu tư danh mục gồm 293 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế, chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và xử lý rác… Tổng vốn đầu tư dự kiến là 836.563 tỷ đồng để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội, giảm tải áp lực cho cân đối ngân sách.