Trong một buổi thuyết trình về kinh nghiệm quản lý đô thị, Liu Thai Ker, kiến trúc sư - nguyên Tổng quy hoạch trưởng của Singapore - cho rằng Singapore chưa hẳn là một thành phố đẹp như một số người lầm tưởng. Ông nói: "Chúng tôi quan niệm thành phố cũng giống như cơ thể người, tức phải khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tuần hoàn tốt và có đầy đủ chức năng sinh hoạt căn bản". Với triết lý đó, công tác quy hoạch đô thị tại Singapore trong nhiều năm qua được tiến hành đồng bộ với tiện nghi đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, dễ dàng tiếp cận để sử dụng: nhà vệ sinh công cộng có ở khắp nơi, đường đi bộ từ nhà dân ra trạm xe buýt hay tàu điện đều có mái che. Các khu đô thị được nối với nhau bằng mạng lưới giao thông chặt chẽ, đi lại dễ dàng, giúp người dân cảm thấy mình là hành viên của một cộng đồng gắn bó... Theo ông Liu, từ năm 1985, Singapore đã trở thành thành phố không có ổ chuột, khu người nghèo và hầu như ai cũng có nhà để ở. Dân số Singapore đã tăng 250% từ 1,89 triệu vào năm 1960 lên đến 5,3 triệu người trong năm 2013 với mật độ dân cư dày đặc. Tuy nhiên, đảo quốc Sư Tử vẫn được công nhận là một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Một góc Singapore nhìn từ tầng lầu của khu đô thị nhà ở tập thể. Nhưng "thành phố đáng sống" có nghĩa là gì? Theo hãng tư vấn nhân sự Mercer và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit, các tiêu chí chất lượng sống phải gồm có những yếu tố như khả năng kinh tế, ổn định chính trị, chăm sóc y tế, môi trường, an ninh an toàn, giáo dục, giao thông… Còn theo TS. Dietmar Hahlweg, cựu Thị trưởng thành phố Đức Erlangen: "Một thành phố đáng sống là nơi tôi có thể có một cuộc sống lành mạnh, có cơ hội di chuyển dễ dàng - đi bộ, đi xe đạp, đi bằng phương tiện giao thông công cộng, hoặc thậm chí bằng xe hơi nếu không có sự lựa chọn nào khác. Thành phố đáng sống là thành phố cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa nó cần phải hấp dẫn, thú vị, an toàn cho con em, ông bà, cha mẹ chúng ta, chứ không chỉ dành riêng cho những người đến làm việc, kiếm tiền, sau đó đi và sống đâu đó ở vùng ngoại ô hay những cộng đồng lân cận. Đặc biệt quan trọng là trẻ em và người già cần phải được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh, có nơi để vui đùa và gặp gỡ nhau, trò chuyện cùng nhau...". Với người Singapore, "thành phố đáng sống" là phải có công ăn việc làm tốt và lương bổng cao, môi trường không ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm thấp và khi ốm đau được chăm sóc đầy đủ. Về góc độ quản lý xã hội, người ta nói đến con số thống kê cụ thể về cơ sở hạ tầng như số lượng đầu xe điện ngầm hay xe buýt phục vụ hành khách, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, các chỉ số về an toàn xã hội, việc chấp hành và thực thi pháp luật về chống tham nhũng, an ninh an toàn… Tuy nhiên đây cũng chỉ là phần "cứng", dư luận xã hội Singapore trong thời gian gần đây hướng đến những yếu tố "mềm" hơn như sự khoan dung và đa dạng về văn hóa: người dân các sắc tộc khác nhau có biết cách sống hài hòa, thân thiện với nhau không; người dân có quyền tham gia trong quá trình ra quyết định liên quan đến cuộc sống của mình hay không. Theo bà Faizah Jamal, đại biểu quốc hội Singapore, một "thành phố đáng sống" thì phải có việc phân phối phúc lợi công bằng trong xã hội, nhà ở giá cả phải chăng, chăm sóc y tế và giáo dục, nhất là phải có những nơi gợi nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ, những không gian thiên nhiên, gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai… Còn theo tôi, "thành phố đáng sống" Singapore phải là nơi người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống thực hiện được những ước vọng và hoài bão của mình và trải qua những ngày tháng có ý nghĩa trên đất khách quê người. Nơi đây sẽ xuất hiện một cộng đồng người Việt vững mạnh, đoàn kết, cùng nắm chặt tay nhau hướng về quê nhà bằng những đóng góp cụ thể cho công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương đất nước. Singapore, ngày 21-4-2013
