Phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai hiện có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội với các trường đại học, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Định hướng thành lập thành phố Thủ Đức hướng tới khu đô thị tương tác cao, với nền tảng khoa học công nghệ phát triển, sẽ là tiền đề phát triển kinh tế tri thức trong vùng.
Sáng tạo trong vùng công nghệ cao
Nhằm hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2018, thành phố đã triển khai xây dựng đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, với quy hoạch là thành phố Thủ Đức tương lai.
Hiện nay, khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học-công nghệ cao.
Điển hình, Khu Công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia thành phố tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực này.
Với 18 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hiện thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Khu Công nghệ cao được xác định là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.
Đây là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc phát triển Khu đô thị sáng tạo tại thành phố Thủ Đức sẽ gặp nhiều thuận lợi trong kết nối vùng, với “Vùng đổi mới sáng tạo” của Bình Dương và định hướng phát triển công nghệ cao của Đồng Nai.
Hiện Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030, biến Bình Dương thành “Vùng đổi mới sáng tạo.”
Mục tiêu là xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và một môi trường sống lành mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học-công nghệ; phát triển kinh tế của tỉnh gắn với phát triển kinh tế của vùng. Nhận thức của Bình Dương rất rõ ràng, đó là Bình Dương sẽ có nền khoa học-công nghệ phát triển ngang tầm với các tỉnh khác và trong khu vực.
Những năm gần đây, Đồng Nai cũng quan tâm thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, hiện đại. Hiện nay, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, có tổng diện tích hơn 400ha, vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.
Khu công nghiệp sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai Dự án khu công nghệ cao Việt-Hàn (Techno Park), với số vốn đăng ký 150 triệu USD, diện tích khoảng 300ha.
Techno Park sẽ thu hút được từ 2-3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng thời gian từ 6-9 năm sau khi đi vào hoạt động.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, quá trình chuyển hướng thu hút đầu tư đang được Đồng Nai thực hiện mạnh mẽ. Tỉnh đã quy hoạch 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ với những ngành nghề chất lượng cao.
Đồng Nai rất muốn “kéo” các doanh nghiệp công nghệ cao về, nâng chất hoạt động công nghiệp. Dù thực tế tỉnh chưa có khu công nghệ cao nhưng Đồng Nai cũng đã định hướng các khu công nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, việc đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cũng được Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các “vệ tinh” xung quanh. Thời gian qua, Khu Công nghệ cao và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố làm việc với chủ đầu tư về tổ chức tìm kiếm nhà cung cấp và khảo sát thực địa các nhà máy của nhà đầu tư tại Bình Dương.
Khu công nghệ cao cũng làm việc với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu về ký kết thỏa thuận phối hợp liên kết vùng, triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển công nghiệp hiện đại
Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút khoảng 39,1% nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Tại thành phố Thủ Đức trong tương lai, Khu Chế xuất Linh Trung 1, Khu Chế xuất Linh Trung 2 và Khu Công nghiệp Bình Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 100%; không những sử dụng lao động của Tp. Hồ Chí Minh mà của cả tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Vị trí các khu này gần với Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) tạo nên chuỗi dịch vụ logistics với hệ thống kho bãi, cụm cảng tương đối hiện đại.
Tương tự, Khu Công nghiệp Cát Lái (Quận 2) hiện đang được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ gia tăng chuối giá trị logistics với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua phà (cầu) Cát Lái.
Tại Bình Dương, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp tập trung và 10 cụm công nghiệp. Tỉnh đã thu hút gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đầu tư đã giải ngân hơn 35,4 tỷ USD.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động; có hơn 1.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 31 tỷ USD. Đến nay, tại Đồng Nai có gần 700 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai thực hiện chủ trương thu hút FDI có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu; chỉ thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Với vị trí gần nhau, định hướng phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh không thể tách rời quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, để từng bước hiện đại hoá, mở rộng quy mô và liên kết phát triển các khu công nghiệp cần thực hiện thành công kế hoạch sử dụng đất và đầu tư hạ tầng, đưa sản xuất khu công nghiệp đạt công nghệ tiên tiến, tích hợp quy hoạch khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội chung.
Định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới theo hướng thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, kinh tế tri thức và kinh tế số, gắn với lợi thế đặc trưng của thành phố trong không gian vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn 2020-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện đường vành đai 3, vành đai 4, từng bước kết nối giữa các khu công nghệp, khu đô thị vệ tinh, cung cấp các dịch vụ thiết yếu bổ trợ cho các khu công nghiệp gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông chính.
Giai đoạn 2025-2045, xây dựng hệ thống kho bãi, logistics, bố trí các địa điểm kho bãi tập trung, hệ thống logictics và vùng công nghiệp sản xuất, lưu giữ, lưu thông hàng hoá.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là mô hình phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số, đồng thời là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và mở rộng các dịch vụ sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để phát triển thành phố Thủ Đức, Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định riêng với chính sách đặc thù cho mô hình thành phố thuộc thành phố.
Với nền tảng khoa học công nghệ, giáo dục phát triển, nhân lực trình độ cao, thành phố Thủ Đức có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế tri thức, liên kết với Bình Dương, Đồng Nai để tạo thành vùng đổi mới sáng tạo lan tỏa.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, trong quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức cần đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển vùng.