“Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. NHNN đã rất thành công trong việc gia tăng dự trữ ngoại hối, có thể đạt mức 50 tỷ USD. Đây là mức dự trữ an toàn cho Việt Nam, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư và trước các biến động khác có thể xảy ra trong năm tới” - ông Sigwick nói.
Các tổ chức tài chính quốc tế thường rất kiệm lời, ít phát biểu tâng bốc. Năm 2017 phác đồ phát triển kinh tế Việt Nam gặp nhiều cản ngại, do việc tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó là các yếu kém nội tại chưa được giải quyết, thiên tai dồn dập, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp…
Nhiều ý kiến cho rằng nước ta khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, hoặc nếu đạt được phải trả giá đắt về ổn định vĩ mô, lạm phát tăng cao nếu “kích” tăng trưởng bằng việc đổ vốn mạnh vào nền kinh tế hoặc thông qua các giải pháp tình thế đối phó. Các tổ chức tài chính quốc tế nổi tiếng đã dự báo GDP Việt Nam 2017 là 6,3% (đầu năm), lên 6,5% (giữa năm) và nay là 6,7% - như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trước tình thế bất ổn đó, Chính phủ vẫn quyết tâm nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng, bởi điều này mới bảo đảm các cân đối vĩ mô, như ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn lực đầu tư, giải quyết việc làm xã hội, thu nhập người dân. Chính phủ đã vào cuộc với tâm thế quyết liệt, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; tiếp tục tháo gỡ các nút thắt nền kinh tế; phát triển mạnh các ngành có ưu thế: nông nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, du lịch…, đồng thời đặt ra yêu cầu tăng trưởng GDP phải đi kèm ổn định vĩ mô.
Kinh tế Việt Nam 2017 đã cán đích mục tiêu dự kiến. Điều đáng nói là tăng trưởng đã mang tầm vóc mới, không phụ thuộc chủ yếu vào khai khoáng, dầu thô, tăng trưởng tín dụng như trước đây. Điều quan trọng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay không những góp phần tích cực tạo đà bứt phá năm 2018, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.
Tăng trưởng GDP vượt dự báo cho thấy điều không thể có thể trở thành có thể nếu có quyết tâm và sự chỉ đạo, điều hành sâu sát.
Phát biểu tại cuộc làm việc với Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Với phương châm hành động và hành động quyết liệt, bài bản, khoa học, Chính phủ trong 2 năm qua đã tạo được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Điều này được thể hiện như việc dự trữ ngoại hối được tiếp tục nâng cao, hay mới đây là thương vụ bán cổ phần Sabeco. Chúng ta quyết liệt nhưng vẫn có những tính toán, cân nhắc kỹ, nếu “non gan” thì ta không thể đạt được các kết quả này”.
Một kết quả nổi bật trong năm qua, góp phần tháo gỡ “cục máu đông” trong nền kinh tế là việc xử lý nợ xấu. Về công tác mua nợ xấu theo giá thị trường, đến cuối tháng 11-2017 VAMC đã thực hiện mua 2 khoản nợ của khách hàng với dư nợ gốc đạt trên 200 tỷ đồng và tính chung từ đầu năm, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ số tiền lên đến 21.648 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch đề ra.
Có thể nói sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, cơ chế này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến tích cực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VAMC và các TCTD quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hóa giải những khó khăn, vướng mắc đối với các đối tượng “khó nhằn” như chủ tài sản cố tình chây ì, chống đối, không thực hiện trách nhiệm trả nợ. Việc VAMC tiến hành thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của các khoản nợ lớn đã có tác động dây chuyền, thúc đẩy hiệu quả công tác mua-bán nợ theo giá thị trường, mở ra khả năng xử lý rốt ráo hơn trong năm 2018.
Nền kinh tế những ngày cuối năm 2017 cũng liên tiếp đón nhận các tin vui: Thu hút vốn FDI đạt xấp xỉ 36 tỷ USD, là mức kỷ lục trong 10 năm qua; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ USD, là bước tiến ngoạn mục kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Năm qua cũng đánh dấu thành công của thị trường chứng khoán với nhiều điểm nhấn: Vốn hóa thị trường, dòng vốn ngoại tham gia đạt kỷ lục, doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn cao nhất từ trước đến nay, VN Index chinh phục mức đỉnh so với 10 năm qua…
Năm 2017 trôi qua. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đề ra, và đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Phấn khởi trước thềm năm mới, tuy nhiên để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và dài hạn, bền vững đòi hỏi cần tiếp tục nâng chất nền kinh tế.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đó là các yếu tố năng suất, sáng tạo, công nghệ cao. Và để tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, còn đòi hỏi phải tiếp tục cải cách thể chế, thật sự tạo sự bình đẳng các thành phần kinh tế, tháo gỡ các nút thắt để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy phương châm hành động của Chính phủ mà doanh nghiệp, người dân kỳ vọng vẫn là liêm chính, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ.