Đây không chỉ là kỷ lục có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, mà còn là con số đánh dấu sự nỗ lực và những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim ngạch XNK cả nước mới đạt 2,5 tỷ USD. Lúc đó kim ngạch XNK của cả châu Phi 26 tỷ USD.
Cho đến nay, cả châu Phi kim ngạch XNK chưa qua 100 tỷ USD nhưng Việt Nam đã đạt 400 tỷ USD. Con số ấn tượng này đánh dấu vị thế Việt Nam trên bản đồ giao thương quốc tế. Đặc biệt sau giai đoạn 2007-2015 bị xếp hạng nhập siêu, nhưng bước sang năm 2016 đã bứt phá ngoạn mục trở thành nước xuất siêu, quy mô nền kinh tế đạt mốc 200 tỷ USD.
Kỳ tích này càng có ý nghĩa khi năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu lúc đó xếp thứ 50. Đến nay vị trí này đã tăng 24 bậc lên vị trí 26. Còn nhập khẩu ở vị trí thứ 41, đến nay đã tăng 16 bậc lên vị trí 25. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 sau gia nhập WTO, Việt Nam đã vào nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có trị giá kim ngạch XNK lớn nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam.
Điểm đáng mừng là chúng ta không còn phụ thuộc vào số ít các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu thô, than đá như những năm đầu hội nhập. Con số thống kê của Tổng cục Hải quan đã ghi nhận sự đóng góp ngày càng lớn của các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may, da giày. Hiện nay, ngoài 2 nhóm hàng điện thoại và máy tính, nước ta còn xây dựng được gần 30 nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô, tức đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên.
Điển hình là đóng góp của nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, hạt điều, rau quả, gạo, đồ gỗ… Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK…
Tuy nhiên, trong bức tranh XNK từ năm 2005 đến nay, khu vực doanh nghiệp trong nước liên tục nhập siêu, trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu, chiếm tới 72% tổng xuất khẩu cả nước. Điều này có nghĩa mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động XNK của nhóm doanh nghiệp FDI. Cụ thể, khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng năm 2017 thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD.
Như vậy, cái lợi lớn nhất của giá trị xuất khẩu đều lọt vào túi doanh nghiệp FDI. Nhiều ý kiến đã từng thẳng thắn rằng doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi, chiều chuộng đủ thứ nên họ mượn đất, thuê lao động Việt Nam gia công hàng hóa để xuất khẩu mang về lợi nhuận.
Thành tích tăng trưởng xuất khẩu góp phần vào GDP, song người dân chưa thực sự được thụ hưởng thành quả. Nếu chỉ để doanh nghiệp FDI biến Việt Nam thành cứ địa xuất khẩu mà không có sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ, thậm chí tận dụng nhân công rẻ, điện nước rẻ, môi trường rẻ, rõ ràng không ổn cho nền kinh tế. Dường như khu vực FDI đã tận dụng tốt hơn những cơ hội từ hội nhập kinh tế, nhất là cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do.
Ngoại lực là quan trọng, song nội lực rất cần thiết. Dựa vào ngoại lực nền kinh tế có thể vượt qua chặng đường khó khăn ban đầu, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực, tiềm năng và sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Bởi nhìn ở góc độ khác, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, giới chuyên gia cảnh báo không bảo vệ được thị trường trong nước mà cứ hăm hở xuất khẩu để thị trường nội địa bị chiếm lĩnh, chèn ép, hệ lụy, hậu quả tất yếu là giảm năng lực sản xuất, giảm sút sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dù đạt được kết quả cao thời gian qua trong lĩnh vực XNK, nhưng không có nghĩa chúng ta đã có thể tự hài lòng. Bởi lẽ, đằng sau kỳ tích 400 tỷ USD vẫn lộ rõ tình trạng làm thuê, lấy công làm lãi, tỷ trọng nội địa trong hàng xuất khẩu rất thấp. Vì thế, mừng thì mừng nhưng nỗi lo còn đó nếu không tránh được tác động ngược vào sản xuất trong nước và đời sống người dân.