Thanh tra đột suất nhiều đơn vị trong 2016

(ĐTTCO)-Ngành thanh tra cũng sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của đoàn thanh tra để thẩm định và công khai kết luận.

(ĐTTCO)-Ngành thanh tra cũng sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của đoàn thanh tra để thẩm định và công khai kết luận.

 

Năm 2015, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 6.500 cuộc thanh tra hành chính và trên 240.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm trên 97.000 tỷ đồng. Đó là thông tin được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại buổi Họp báo thông báo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra sáng 7/1, tại Hà Nội.

Cũng trong năm 2015, ngành thanh tra còn phát hiện vi phạm trên 16.400 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 24.000 tỷ đồng và trên 6.700 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011 -2016, bên cạnh công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra gắn công tác thanh tra với công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện 415 vụ, 705 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 786 tỷ đồng, 10 ha đất; xử lý trách nhiệm 168 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 167 vụ, 273 đối tượng.

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến nội dung một số kết luận của Thanh tra Chính phủ; công tác xử lý sau thanh tra; trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là của Thanh tra Chính phủ trong việc tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả, biện pháp xử lý những tin nhắn tố cáo thông qua đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ…

Về trách nhiệm Thanh tra Chính phủ, cũng như thực hiện các kết luận trong nội dung khiếu kiện, tố cáo tại chung cư 93 Lò Đúc (TP Hà Nội), ông Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục 1, Thanh tra Chính phủ cho biết: Thanh tra thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra toàn diện và kiến nghị đối với chủ đầu tư, yêu cầu phá phần quây ở tầng 30, mở cửa phần quây cho các hộ lên tầng 30 sử dụng chung.

Thanh tra cũng yêu cầu Sở Xây dựng thành phố xử phạt chủ đầu tư theo Nghị định 121 của Chính phủ đối với phần diện tích xây dựng sai so với quy hoạch; đối với UBND quận Hai Bà Trưng giám sát việc khắc phục những sai phạm cũng như bàn giao quyền vận hành cho ban quản lý…tuy nhiên đến nay mới thực hiện được 1 nội dung.

“Ngày 5/1/2016, trong 7 nội dung thành phố thống nhất với Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các ngành của thành phố triển khai cho đến nay mới thực hiện được 1 nội dung, đó là thẩm định kết cấu của công trình chung cư 93 Lò Đúc, kết quả cho thấy hiện trạng công trình từ phần móng, phần ngầm, phần thân đảm bảo khả năng chịu lực tại thời điểm thẩm định. Còn các nội dung khác UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của thành phố thực hiện. Liên quan đến trách nhiệm của Cục 1 thì chúng tôi cũng tiếp tục theo dõi, đôn đốc tổ chức thực hiện”, ông Long nói.

Năm 2016, ngành thanh tra chú trọng những cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của đoàn thanh tra; thẩm định, công khai kết luận thanh tra; Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm tập trung giải quyết trên 85% vụ việc phát sinh; tổ chức thi hành trên 80% quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

Ngành thanh tra cũng nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.

Các tin khác