Kinh tế khó khăn, nhiều DN không chỉ đau đầu với hàng tồn kho không bán được mà còn cảm thấy nặng gánh hơn với hàng loạt loại thuế, phí đang đè nặng lên vai khi nhập nguyên liệu sản xuất lẫn khi đưa hàng ra thị trường.
Ngành nào cũng “oải”
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Minh Phong, DN xuất khẩu thủy sản tiêu tốn từ 5-15 triệu đồng phí khi phải thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc đối với từng lô hàng để làm điều kiện cấp chứng thư xuất khẩu.
Nếu tính chung cả khối DN thủy sản, hàng năm tốn 1-4 tỷ đồng tiền phí cho việc lấy mẫu này. Hơn nữa, các DN còn phải mất khoảng 10 ngày kiểm nghiệm mới có thể xuất hàng, khiến sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bị giảm sút so với các đối thủ khác. Trong khi đó, thủ tục này hoàn toàn có thể thay thế bằng cách căn cứ vào điều kiện sản xuất của DN để hàng hóa được xuất nhanh hơn.
Ngoài ra, danh mục các khoản thu lệ phí kiểm nghiệm chất lượng, an toàn vệ sinh đối với thủy sản ngày càng gia tăng. Theo đó, DN phải đối mặt với hàng trăm khoản thu liên quan đến kiểm tra chỉ tiêu sản phẩm như cảm quan và vật lý, vi sinh, hóa học thông thường, hóa học đặc biệt, hóa học của nước... Mức thấp nhất của một lần kiểm tra là 10.000 đồng và cao nhất lên tới 600.000-700.000 đồng.
Đối với ngành giấy, hiện nay xu hướng của các nước trên thế giới là thu mua giấy vụn để tái chế nhằm giảm bớt áp lực về nguyên liệu. Ở Việt Nam, 4 năm trước Bộ Tài chính đã hỗ trợ các DN ngành giấy bằng cách cho phép DN thu mua giấy vụn lập bảng kê để khấu trừ 3% thuế. Song, sự hỗ trợ này đã bị bãi bỏ khiến DN gặp không ít khó khăn.
Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc CTCP Giấy Sài Gòn, công ty thu mua giấy vụn từ những người thu gom lẻ nên không thể xuất hóa đơn VAT. Do vậy, chi phí mua giấy vụn này không được ngành thuế công nhận, phải chịu đóng 3% thuế thu nhập của người thu gom lẻ cùng với 10% thuế VAT.
Với ngành thép, dù hàng tồn kho ngày càng cao nhưng ông Nguyễn Tiến Thành, tổng giám đốc một công ty thép ở quận Thủ Đức, cho biết: “Công ty vẫn phải đóng thuế thu nhập DN (TNDN) đều đặn 25%/năm nên gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Trong khi đó, khi nhập khẩu phôi thép để cán thép thành phẩm cũng phải đóng thuế 5%, tạo ra áp lực rất lớn về giá bán sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm thép Trung Quốc thâm nhập vào thị trường trong nước rất dễ giành thị phần vì có giá rẻ hơn. Dù đã có tín hiệu nới dòng vốn tín dụng cho DN nhưng thật sự các DN vẫn đang bí đầu ra. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để công ty có thể cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng”.
Tương tự, DN ngành xây dựng khi triển khai một dự án cũng đang phải chịu nhiều loại phí như phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất. Ngoài ra, DN tốn thêm chi phí không thể hạch toán được như phí để xin thỏa thuận địa điểm, quy hoạch, báo cáo năng lực đầu tư, hồ sơ thẩm định tài chính và các khâu tham vấn khác.
Cao gấp 1,4-3 lần
Nhận định về mức thuế, phí ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Phúc, cho rằng: “So với một số nước trên thế giới, mức thuế TNDN 25% không phải quá cao. Song với điều kiện kinh doanh hiện nay, Nhà nước cần xem xét các DN sản xuất kinh doanh lời hay lỗ, DN cần được hỗ trợ như thế nào và cân đối việc thu thuế TNDN.
Bởi vì khi đóng thuế cao, DN phải được đáp ứng những điều kiện tốt nhất về chính sách, tài chính, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng… Như vậy, các DN mới cảm thấy đóng thuế là nghĩa vụ để có được quyền lợi chứ không phải là một gánh nặng. Tuy nhiên, nếu mức thuế được giảm xuống sẽ là một yếu tố khích lệ DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Thuế, phí đang là gánh nặng của nhiều DN |
Theo đại diện các DN dệt may, hiện nay các DN đang rất mệt mỏi khi phải chịu hàng loạt loại thuế, phí chồng lên nhau từ quá trình mua nguyên liệu đến khâu phân phối. Chẳng hạn về thuế, khi nhập nguyên liệu, DN phải đóng thuế nhập khẩu; khi đưa hàng ra thị trường tiêu thụ phải đóng thuế VAT; khi quyết toán doanh thu phải đóng thuế TNDN. Ngoài ra, khi được chia cổ tức, các cổ đông phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, người Việt Nam đang gánh tỷ lệ thuế, phí cao gấp từ 1,4-3 lần so với nhiều nước trong khu vực. Điều này cho thấy mức thuế, phí ở nước ta đang là một rào cản có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như khả năng đầu tư của DN.
Trong báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng thuế, phí đứng thứ 8 trong danh mục các vấn đề đáng lo ngại khi kinh doanh tại Việt Nam. Một đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, trong quá trình kinh doanh, các DN châu Âu còn gặp nhiều khó khăn trong việc thuân thủ quy định về thuế.
Trong đó, những khoản lệ phí đối với thủ tục giấy tờ, lưu kho bãi, phí phạt… làm chậm hàng. Phí vệ sinh container, phí xếp dỡ tại cảng là một rào cản gây ra nhiều khó khăn cho các DN. Trong khi đó, ở các nước khác, thuế VAT đối với nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ vận tải và giao nhận quốc tế được áp dụng ở mức 0%.
Do đó, Việt Nam cần có biện pháp thống nhất với các nước về dịch vụ giao nhận vận tải và các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi thực hiện các vấn đề liên quan đến thuế, phí để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu.