Hôm qua 25-5, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức họp với các hội ngành nghề trên địa bàn nhằm lấy ý kiến gửi UBND TP tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cho vay tăng nóng; giải tỏa sức ép về vốn đang đè nặng lên kế hoạch sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp...
Thu hẹp sản xuất, gửi tiền NH
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh, nhiều hội viên cho biết phải thu hẹp sản xuất kinh doanh do tiếp cận tín dụng khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao. 3 tháng đầu năm nay nhiều doanh nghiệp rất sợ đáo hạn không vay lại được. Bên cạnh đó, với lãi suất 25-26%/năm hiện nay, trong khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp không quá 21%/năm, doanh nghiệp được vay cũng không dám vay. Có doanh nghiệp vay tại Agribank lãi suất 19%/năm nhưng lãi suất thực tế lên đến 21%/năm, với hạn mức vay chỉ còn 1/3 so với trước đây. Bà Linh cho rằng tình trạng này giống như năm 2008, khi lãi suất tăng cao cùng lúc hàng Trung Quốc giá rẻ đổ vào Việt Nam, đã khiến các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng ngoại. Nhiều doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất bình thường nhằm đảm bảo đời sống cán bộ, công nhân viên cũng không dễ. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, các doanh nghiệp có tiền cũng không dám đầu tư, thu hẹp sản xuất đem tiền gửi NH.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, cho biết ngành da giày trong nhiều năm bị Liên minh châu Âu (EU) áp thuế bán phá giá, vừa qua thuế này mới được bãi bỏ (từ ngày 1-4). Nhiều doanh nghiệp phấn chấn tính đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đã bị chựng lại vì lãi suất cho vay quá cao. Ông Khánh kiến nghị UBND TPHCM không đưa da giày vào ngành trọng điểm của TP nhưng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp da giày, vì hơn 5 năm bị EU áp thuế bán phá giá doanh nghiệp da giày gặp khó khăn và thiệt thòi nhiều so với các ngành khác. Các doanh nghiệp thuộc hội ngành nghề khác cũng kiến nghị lãnh đạo TP có cơ chế hỗ trợ vốn, vì hiện nay do sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đề nghị các doanh nghiệp tập hợp những kiến nghị để Hiệp hội tổng hợp gửi lên UBND TPHCM. Ông Hưng cho biết tuần tới Thủ tướng sẽ có cuộc họp với UBND TPHCM về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. UBND cũng cho biết nếu Trung ương chưa có giải pháp sớm, UBND sẽ xin cơ chế riêng để hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì sản xuất trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay.
Tiền đồng có hạ nhiệt?
Một diễn biến gần đây trên thị trường tiền tệ có thể tác động đến lãi suất tiền đồng trong thời gian tới là lãi suất liên NH đã hạ nhiệt còn 11%/năm kỳ hạn qua đêm, so với vài tuần trước lãi suất này có lúc lên đến 18-20%/năm. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia và NHTM cho rằng do nguồn vốn ước tính khoảng 20.600 tỷ đồng từ NHNN đưa ra để mua ngoại tệ, tạo dòng chảy vốn góp phần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, đồng thời làm cho lãi suất liên NH hạ nhiệt.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại MB. Ảnh: LÃ ANH |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất liên NH giảm còn do cầu tín dụng giảm, vì lãi suất cho vay quá cao, cùng chính sách thắt chặt tín dụng phi sản xuất, tại nhiều NH đã có dấu hiệu dư thừa thanh khoản vào đầu tháng 5. Điều này cho thấy thời gian tới lãi suất tiền đồng sẽ bớt nóng, các NHTM cũng phải hạ nhiệt lãi suất mới có thể tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. “Hiện nay dư địa cho vay chỉ ở lĩnh vực sản xuất, trong khi lĩnh vực này không chịu được lãi suất vay cao. Vì vậy, sau giai đoạn chạy lo thanh khoản, đáp ứng các quy định của NHNN, các NHTM sẽ phải giảm lãi suất mới kinh doanh được” - phó tổng giám đốc một NHTM nói.
Theo nhiều chuyên gia, một yếu tố khác có thể giúp hạ nhiệt lãi suất tiền đồng trong thời gian tới là việc các NHTM sẽ đáo hạn của trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh với số tiền thu về ước khoảng 13.000 tỷ đồng. Các NHTM sẽ có lượng tiền dồi dào hơn, thanh khoản tốt và tất yếu sẽ phải tiêu thụ số tiền này trên thị trường liên NH, thị trường tín dụng. Bởi lẽ mua tiếp trái phiếu chính phủ lãi suất thấp trong điều kiện thắt chặt tín dụng hiện nay là không khả thi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn trong tháng tới nhưng lãi suất thị trường vẫn chưa thể giảm do các NHTM thực tế đã huy động lãi suất đầu vào 18-21%/năm, chắc chắn phải có độ trễ cho vay lãi suất cao 3-4 tháng tới. Tức phải cuối quý III doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý. Ngoài ra, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm nhưng vẫn ở mức cao 2,21%, nên khả năng cung tín dụng ra ngoài sẽ còn hạn chế. Đặc biệt, dự kiến đến cuối tháng 6-2011, thời điểm các NHTM phải giảm dư nợ phi sản xuất xuống dưới 22%, nếu NHTM nào không đáp ứng sẽ chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp đôi. Đây cũng là rào cản cho lãi suất tiền đồng hạ nhiệt trong thời gian tới.