Thời gian vừa qua, tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự BT (xây dựng - chuyển giao). Đến nay, một số dự án hoàn thành, một số dự án khác còn chậm tiến độ. Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án, chi trả phần kinh phí đối ứng cho các chủ đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của tỉnh Khánh Hòa.
Dự án BT đường số 4, phía Tây thành phố Nha Trang là một trong những dự án thuộc danh mục mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2014 trong bối cảnh nguồn ngân sách thực hiện các dự án công khá hạn hẹp.
Tháng 10/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư VCN, theo hình thức đầu tư BT với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đối ứng cho Công ty VCN hơn 3,8ha đất tại Trung tâm Đô thị- Thương mại- Dịch vụ- Tài chính- Du lịch Nha Trang, tại Sân bay Nha Trang cũ.
Tuy nhiên, sau khi tuyến đường này được làm xong vào năm 2016, khu đất này lại nằm trong phần đất sẽ được đấu giá để làm sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa không thể giao đất đối ứng tại Sân bay Nha Trang cũ cho Công ty VCN.
Ông Phạm Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VCN, cho biết, tuyến đường đã làm xong, đưa vào sử dụng, quyết toán hơn 3 năm, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được thanh toán.
“Khi được biết sân bay không đối ứng cho, số vốn đọng lại hơn 3 năm. Với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tài chính của doanh nghiệp rất khó khăn. Cũng mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải quyết tháo gỡ, để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư, để tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khác. Việc này chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn” - ông Cường chia sẻ.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện 13 dự án BT, chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, trường học, trụ sở cơ quan. Đa phần các dự án này được hoàn vốn các khu đất có vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố hoặc sân bay Nha Trang. Đến nay, mới có 3 dự án đã thực hiện xong, quyết toán, định giá và bàn giao đất, còn lại 10 dự án BT đang triển khai thực hiện.
Nhiều dự án trong số này còn dang dở, chậm tiến độ và chưa được giao đất để hoàn vốn. Việc chậm trễ triển khai các dự án do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục định giá đất, giao đất theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, quá trình thực hiện các dự án này, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có nhiều sai phạm trong thực hiện các thủ tục, vì vậy cần phải khắc phục, tránh thất thoát cho ngân sách nhưng cũng có giải pháp đưa các công trình sớm đi vào hoạt động để tránh lãng phí.
Theo ông Chi: “Sai thì đã sai rồi, phải sửa, do bộ máy mới Đại hội mới kiện toàn. Sửa phải sửa từ từ, không được ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Giữ cho doanh nghiệp vừa khắc phục, vừa sửa nhưng vẫn phải phát triển. Vấn đề là mình sống được nhờ ngân sách, mà ngân sách hiện nay cơ bản của doanh nghiệp. Do mình sửa cái sai mà các doanh nghiệp bị tiêu hủy hoặc nó đứng lại không hoạt động nữa thì đó là sửa sai lại thành sai".
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong số các dự án đầu tư theo hình thức BT, có 4 dự án được thanh toán bằng quỹ đất sân bay Nha Trang cũ. Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc của các dự án này, quan trọng nhất là đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các khu tái định cư để thúc đẩy giải phóng mặt bằng trên thực địa.
Riêng đối với dự án đường số 4 đã hoàn thành, do khu đất đối ứng đã chuyển sang thực hiện mục đích khác, chủ đầu tư đã kiến nghị đối ứng thay thế bằng một khu đất khác. Khu đất này rộng hơn 6ha tại Kho cảng Bình Tân.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo các ngành nghiên cứu các phương án khả thi thanh toán quỹ đất cho doanh nghiệp đã thực hiện xong dự án.
“Vì đó là đất sạch, do đó khi thanh toán các quỹ đất để đối ứng các công trình thì phải báo cáo các Bộ, Ngành Trung ương và phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của tỉnh là rất sòng phẳng nhưng phải đảm bảo đánh giá lại khối lượng là bao nhiêu tiền, bán đấu giá được bao nhiêu tiền. Nếu dư thì sung vào công quỹ Nhà nước, nếu thiếu thì phải bù vào cho nhà đầu tư để trả cả gốc và lãi. Đây không phải là đổi ngang mà rất là rõ ràng" - ông Tuân chỉ rõ.