Báo SGGP trân trọng mời gọi và mong nhận được các ý kiến, hiến kế, trao đổi, gợi mở, phân tích, đánh giá của bạn đọc về chủ đề này. Các bài viết, ý kiến sẽ được chọn lọc, đăng tải vào thứ năm tuần đầu tiên và tuần thứ 3 hàng tháng trên Báo SGGP.
Mở đầu diễn đàn, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi cùng PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (ảnh). PGS-TS Trần Hoàng Ngân phân tích: Ngoài dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước, TPHCM cũng có quy mô kinh tế, cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước nên yêu cầu đặt ra là cần có mô hình quản lý nhà nước, mô hình chính quyền đô thị tương thích. Các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TPHCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân và doanh nghiệp một cách nhanh, chính xác, đồng bộ nhất.
Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân
PHÓNG VIÊN: Thưa PGS-TS, thực hiện chính quyền đô thị sẽ tác động đến mô hình quản lý và sự phát triển của TPHCM ra sao, nhất là những lợi ích mang lại cho người dân?
* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Điểm mấu chốt là chính quyền đô thị được tổ chức tinh gọn, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. TPHCM cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc điểm đô thị hướng tới tăng hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cho cơ quan hành chính ở quận, phường chủ động, quyết định nhanh chóng các vấn đề cấp bách ở địa phương.
Từ đó, lợi ích người dân được thụ hưởng chính là từ sự hiệu quả của bộ máy nhà nước. Các chỉ đạo của TPHCM được thực hiện xuyên suốt ngay lập tức và đồng thời tại cơ sở, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt, hướng dẫn lại. Thủ tục hành chính được cải cách ngày càng đơn giản, dễ thực hiện hơn, rút ngắn thời gian hơn. Vì thế, việc của người dân được chính quyền giải quyết một cách nhanh nhất, gọn nhất, hiệu quả nhất.
Có thể nói, xây dựng chính quyền đô thị giúp TPHCM huy động và giải phóng mọi nguồn lực, tạo cơ hội cho sự phát triển. Tổ chức mô hình chính quyền đô thị có thể giúp TPHCM giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TPHCM đối với vùng và cả nước.
* Đâu là những việc trọng tâm mà TPHCM cần lưu ý trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị để mô hình này thực sự mang lại hiệu quả?
* TPHCM đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển khi được Trung ương tạo điều kiện, trao mô hình chính quyền đô thị - động lực rất lớn cho TPHCM. Trong chính quyền đô thị, việc không tổ chức HĐND quận, phường là một nội dung nổi bật. Cùng với đó, chính quyền đô thị tại TPHCM còn có 2 nội dung cơ bản khác là cơ chế, chính sách đặc thù (Nghị quyết 54) và thành lập “thành phố trong thành phố” - TP Thủ Đức.
Các nội dung này đều đã được Trung ương thông qua và TPHCM đang đồng thời thực hiện. Ba nội dung này liên quan chặt chẽ, tương tác với nhau, cho thấy chính quyền đô thị ở TPHCM trải qua nhiều bước và TPHCM đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chính quyền đô thị.
Điểm quan trọng là đội ngũ quản lý, cán bộ, công chức, viên chức cần duy trì bản lĩnh dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm; luôn thấm nhuần việc phục vụ dân. Tôi luôn tin tưởng rằng, một khi đội ngũ cán bộ, công chức luôn phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất với thủ tục đơn giản nhất, thì người dân, doanh nghiệp luôn sẵn sàng chung vai sát cánh cùng TPHCM phát triển.
Bối cảnh hiện nay, TPHCM cũng cần vượt qua chính mình để có thể tiệm cận, so sánh với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Khi Đề án Điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM được thông qua, TPHCM càng thêm đủ tinh thần và vật chất, nguồn lực và vật lực để thực hiện chính quyền đô thị hiệu quả, qua đó phát triển TPHCM và đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Huy động các nguồn lực
* Một vấn đề nhiều người quan tâm là… kinh phí ở đâu để xây dựng chính quyền đô thị? Tài chính là bài toán không đơn giản khi chỉ riêng nhu cầu vốn cho phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM - có ranh giới là TP Thủ Đức - đã cần tới 41.600 tỷ đồng từ nay đến năm 2025.
* Quan trọng nhất là có cơ chế, chính sách phù hợp, đột phá để có thể huy động các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển. Rất mừng là mới đây, trong buổi làm việc với TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và UBND TPHCM khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với TP Thủ Đức, TPHCM cũng đang xác định cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức. Có cơ chế, chính sách đột phá, đồng nghĩa các nguồn lực sẽ được tháo mở, tạo điều kiện cho TPHCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển.
Đặc biệt, sau một năm nghiên cứu và xây dựng, Đề án Điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 23% giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng ủng hộ. Nếu được giữ lại 23% ngân sách trong năm đầu tiên, TPHCM có thêm khoảng 12.000 tỷ đồng, dồn sức cho phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Song song đó, TPHCM tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quy hoạch, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để tăng hiệu quả của đất đai… Từ ngày 1-7-2021, TPHCM thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển, dự kiến mang lại nguồn thu hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Điểm quan trọng là cùng với thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội cho sự phát triển của TPHCM. Đây cũng là vế thứ 2 của chủ đề năm 2021 tại TPHCM.
* Đối với TP Thủ Đức, để tránh một phép cộng cơ học nhập 3 quận làm một, TPHCM cần tạo đòn bẩy cho TP Thủ Đức phát triển như thế nào, đổi mới ra sao?
* Phát triển TP Thủ Đức không phải là câu chuyện một ngày một bữa có thể làm được mà cần thời gian, quá trình để từng bước hiện thực hóa TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Điều TPHCM đang làm là điều chỉnh quy hoạch đối với TP Thủ Đức, tập trung phát triển kinh tế tri thức, xây dựng các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ…
Cùng với đó, TPHCM phối hợp với Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, tiến hành phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Tinh thần của TPHCM là phân cấp, ủy quyền tối đa, không giới hạn đối với TP Thủ Đức.
Hiện nay, TP Thủ Đức cũng đang xử lý các vấn đề còn tồn đọng sau khi sáp nhập; rà soát thực tế khai thác, sử dụng các địa chỉ nhà đất do Nhà nước quản lý, từ đó có kiến nghị tổ chức đấu giá, thêm nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Tất cả đều đang hành động để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng.
* Không tổ chức HĐND cấp quận, phường, liệu có dẫn tới sự lạm quyền của cơ quan hành chính?
* TPHCM đã có kinh nghiệm thực tiễn 7 năm (2009-2016), không tổ chức HĐND quận, phường. Tới đây, khi TPHCM tái không tổ chức HĐND quận, phường, hệ thống MTTQ sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát. HĐND TPHCM cũng được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, tăng nhân sự chuyên trách và trực tiếp giám sát hoạt động của UBND quận, phường.
Điểm quan trọng là UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Hàng năm, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND TPHCM, chủ tịch UBND quận, phường đều phải có trách nhiệm tổ chức đối thoại với người dân ở quận về tình hình hoạt động của quận và những vấn đề liên quan đến người dân. Như vậy, khâu giám sát được đảm bảo và đảm bảo quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân, khó có thể xảy ra tình trạng lạm quyền.