Đầu tuần này, vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đã làm “nóng” dư luận khi báo cáo giám sát về vấn đề này được trình ra phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Đây là vấn đề không mới, bởi theo thống kê có tới 70% khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan tới lĩnh vực đất đai.
Nhưng con số đưa ra qua giám sát của UBTVQH cho thấy vấn đề này đang ngày càng trở nên đáng lo ngại. Đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là “rất nghiêm trọng”, bởi các quyết định hành chính có “tỷ lệ sai đến một nửa”.
Có thể thấy căn nguyên của tình trạng khiếu nại, tố cáo ngày càng gia tăng, gây mất trật tự xã hội là do những lỗ hổng về pháp lý và sự yếu kém của chính bộ máy thực thi pháp luật. Đất đai là một trong những quyền lợi lớn nhất, quyết định tới mọi mặt trong cuộc sống của người dân.
Trong khi đó các quyết định hành chính của Nhà nước khi xử lý vấn đề này lại “sai đến một nửa”, khác nào đẩy người dân tới đường cùng. Nếu vấn đề này không sớm được khắc phục, sẽ là hiểm họa lớn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân, thậm chí là sự tồn vong của chế độ.
Xem xét về nguyên nhân pháp lý gây ra khiếu nại tố cáo về đất đai, bất cập lớn nhất hiện nay vẫn là cơ chế Nhà nước thu hồi đất và quyết định giá đất được quy định trong Luật Đất đai năm 2003. Trên thực tế, việc thu hồi đất hết sức phức tạp, khó khăn, nhiều tiêu cực - chủ yếu trong những dự án có tính chất thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở, dịch vụ.
Quá trình thu hồi đất, giá bồi thường cho người dân bị thu hồi đất thấp, tiền sử dụng đất Nhà nước thu được không đáng kể, trong khi nhà đầu tư được giao đất có lãi cao, lợi lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Luật Đất đai hiện hành trao quyền “quá tay” cho Nhà nước.
Riêng nội dung quy định quyền thu hồi đất, Luật Đất đai 2003 để chính quyền được quyền quyết định trong quá nhiều trường hợp, từ việc thu hồi phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tới phát triển các dự án kinh tế, thương mại. Vô tình, quyền của người dân, người sử dụng đất bị thu hẹp.
Nguyên tắc đền bù khi thu hồi đất “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường” lại quá mơ hồ. Một số chuyên gia tính toán, mức đền bù “sát với giá thị trường” trên thực tế chỉ bằng 30-60% so với giá thị trường.
Mới đây, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình UBTVQH xin ý kiến, nguyên tắc trên được thay bằng “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường". Tuy nhiên, nhiều ủy viên UBTVQH và bản thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quy định như vậy vẫn “rất mơ hồ”, chưa thay đổi được căn cơ bất cập hiện nay.
Rõ ràng, đây là vấn đề cần được thảo luận kỹ trên cơ sở xem xét tình hình thực tế hiện nay, qua đó đưa ra những quy định cụ thể, minh bạch và công bằng hơn. Theo đó, muốn giảm được khiếu kiện hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo lợi ích người dân và lợi ích Nhà nước (Nhà nước thu được tiền sẽ đầu tư trở lại cho người dân và xã hội), tránh để người dân thấy nhà đầu tư được hưởng lợi quá nhiều. Sửa đổi luật, trước hết phải bảo đảm quyền lợi của người dân - một trong những chủ thể căn bản trong sở hữu đất đai - mới bảo đảm luật được ủng hộ và thực thi một cách hiệu quả.
Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là xử lý mối quan hệ về quyền và trách nhiệm khi có tranh chấp giữa người dân và cơ quan công quyền.
Tại phiên thảo luận về khiếu kiện đất đai, nhiều thành viên UBTVQH rất bức xúc vì trên thực tế một nửa quyết định hành chính của Nhà nước là sai, nhưng những người ra quyết định sai hầu như không bị xử lý gì. Chưa tính đến những tiêu cực, tham nhũng đằng sau những quyết định sai đó, nhưng việc tùy tiện trong quản lý hành chính, gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của công dân là không thể chấp nhận được.
Chính vì thế, theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện để lấp các “khoảng trống” về thể chế, việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần được xem xét nghiêm túc. Bởi luật nghiêm nhưng quản lý không nghiêm, chắc chắn “ngòi nổ” khiếu kiện đất đai vẫn còn đó.