Trong một nhà xưởng rộng lớn thơm nồng mùi gỗ tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM), công nhân Nguyễn Văn Sự một mình kiểm soát đến 4 chiếc máy CNC (máy tạo hình tự động) đang tạc những con thú bằng gỗ. Chỉ ít phút, hàng chục chú gấu giống nhau như đúc ra đời.
Bên trong nhà máy sản xuất đồ chơi Noel
Những món đồ chơi đắt tiền này nằm trong những lô hàng cuối cùng của Công ty CP sản xuất và thương mại Nam Hoa sẽ xuất xưởng trong vài ngày tới để kịp bày trong các trung tâm thương mại, cửa hàng lưu niệm tại châu Âu, châu Mỹ. Chúng được tính toán để đến tay các chủ nhân đúng dịp Noel.
Theo anh Sự, trước đây để làm được một món đồ chơi này, công nhân phải gọt tỉa thủ công rất mất thời gian. Khi chuyển sang dùng máy, tốc độ được đẩy nhanh, sản phẩm ra đều, đáp ứng các thị trường khó tính châu Âu. Hiện tại, một mình anh Sự có thể "cân" luôn cả 4 máy, vốn phải mất đến 32 người nếu làm thủ công.
Cách khu vực tạo hình một phân xưởng, khu vực hoàn thiện, trang trí sản phẩm tĩnh lặng hơn với phần lớn nữ giới làm việc. Ở xưởng này, những món đồ chơi được cho lên màu, được "thổi hồn" bằng bàn tay của những công nhân lành nghề mà doanh nghiệp này trân trọng gọi là "nghệ nhân".
Ngồi tỉ mẫn chà và sơn lót từng chú chim hải âu, "nghệ nhân" Phan Thị Tuyết Hồng (49 tuổi) cho biết đã có gần 2 thập niên gắn bó với nghề. Ông Lưu Vũ Sơn - quản đốc nhà máy - cho biết trước đây các đối tác nghĩ rằng người Việt mình khó làm được bởi đòi hỏi độ hoàn thiện, tính chính xác cao, song từ những sản phẩm giản đơn đến món đồ tinh xảo nhà máy này đều làm được khiến đối tác trầm trồ, chuyển hẳn sang đặt hàng người Việt.
Theo ông Sơn, từ đầu tháng 9 nhà máy này đã xuất xưởng những lô hàng Noel đầu tiên, đến nay chỉ còn vài lô hàng cuối cùng và đang sản xuất đơn hàng năm mới nên nhà máy phải tăng công suất.
Ông Nguyễn Tiến Thọ - tổng giám đốc Công ty Nam Hoa - cho biết nhà xưởng chuyên sản xuất đồ chơi gỗ này có thể sản xuất đến cả trăm nghìn sản phẩm đồ chơi trẻ em, song hiện đang sản xuất những món thịnh hành khoảng 1/10 con số trên.
Theo ông Thọ, nhiều đối tác tiếp tục đặt hàng cho dịp Noel và năm mới nhưng công ty đã ngưng nhận vì không kịp giao hàng. Hơn nữa, công ty cũng đã nhận đơn hàng mùa hè đến hết tháng 4 năm sau với số lượng tăng 30%, giờ chỉ nhận hàng cho Noel năm sau và ưu tiên các đối tác lâu năm. Ông Thọ cho biết thời gian qua để kịp tiến độ vận chuyển, nhiều đơn hàng phải đi bằng máy bay, khi lên kệ những bộ đồ chơi này có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Hàng liên tục lên máy bay
Trong căn phòng rộng chừng 300m² được xây khép kín giữa khuôn viên nhà máy chuyên sản xuất đồ jean, 8 công nhân điều khiển những chiếc máy khắc laser cho "ra lò" liên tục những chiếc quần jean mới cứng. Căn phòng này được ví như "trái tim" của nhà xưởng của Công ty Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức).
Đứng vận hành máy, nam công nhân Nguyễn Duy Trầm (37 tuổi) cho biết nhờ có những máy này mới làm nhanh được các đơn hàng dịp Noel, năm mới. Một người điều khiển máy như anh Trầm có thể làm ra số lượng sản phẩm bằng 50 người làm thủ công.
Ông Nguyễn Văn Hiền - quản đốc nhà máy - cho biết 8 chiếc máy này trị giá đến 64 tỉ đồng, toàn bộ máy đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút.
Theo ông Hiền, những chiếc máy này sử dụng các chùm tia laser khắc trực tiếp lên áo, quần jean với mọi hoa văn, họa tiết. Mỗi ngày một máy cho ra lò đến 3.600 sản phẩm, trong khi mỗi người chỉ làm được 150 - 200 sản phẩm.
Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jean - cho hay doanh nghiệp này đã bỏ ra 20 triệu USD để đầu tư nhiều máy móc hiện đại châu Âu thay thế sức người, từ chỗ cần 800 người làm thủ công nay chỉ duy trì 19 người cho các công việc đó.
Hiện tại, nhà xưởng này đã hoạt động trở lại với gần 600 công nhân, tất cả đều nỗ lực để nâng công suất sản xuất thêm 20% để xuất xưởng đến 1,2 triệu sản phẩm trong tháng cao điểm này nhằm kịp vận chuyển sang 8 nước châu Âu.
Theo ông Việt, trước đây xuất đi bằng tàu biển, nhưng để giao hàng trong thời điểm này phải đi bằng máy bay. Hiện áo quần từ nhà máy này đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới. Ông Việt hồ hởi khi đã nhận đơn hàng đến 30-6 cho dịp hè năm tới.
"Đứt gãy chuỗi vì dịch nhưng vẫn giữ uy tín giao hàng đúng hạn nên các đối tác tin tưởng, ưu tiên" - ông Việt nói.
Đơn hàng dồi dào cho cả năm sau
Cả tháng nay, nhà xưởng của Công ty CP giày Thiên Lộc nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) nhộn nhịp trở lại khi 2.300 công nhân trở lại làm để cấp tốc sản xuất nốt những đơn hàng còn dở dang của dịp Noel.
Từ tháng 4, doanh nghiệp này đã sản xuất những mẫu hàng mới cho dịp cuối năm nhưng không ngờ dịch bệnh ập xuống khiến sản xuất gián đoạn. Ngay khi TP mở cửa, doanh nghiệp này đã nỗ lực huy động 90% công nhân trở lại nhà máy và nâng công suất, tăng ca.
Ông Vũ Thanh Bình - tổng giám đốc Công ty CP giày Thiên Lộc - cho hay các đối tác rất thiện chí, thậm chí còn cho ứng trước vốn để nhà máy giao hàng kịp thời.
"May mắn nhất là chúng tôi đã quan tâm, chia sẻ với người lao động lúc khó khăn nên giờ giữ được tối đa lao động để kịp quay lại sản xuất, đơn hàng không bị chuyển đi nước khác, đến giữa tháng 11 là hoàn tất các đơn hàng dịp năm mới" - ông Bình nói.
Theo ông Bình, hiện công ty đã ký đơn hàng cho đến hết quý 2 của năm sau, từ nay đến cuối năm sẽ ký tiếp để có đủ đơn hàng cho cả năm sau. "Dịch bệnh không diễn biến xấu thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm; đơn hàng, công ăn việc làm của anh em công nhân sẽ đảm bảo đến hết năm 2022" - ông Bình khẳng định.
Tâm thế sản xuất mới
Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho hay các sản phẩm gỗ mang tính mùa vụ như hàng cho Noel và năm mới hiện rất khát hàng, thậm chí có những doanh nghiệp (DN) Việt kể rằng bây giờ bán hàng gì là bên kia mua luôn hàng đó.
Với ngành gỗ nói chung, ông Phương cho hay hiện đơn hàng rất dồi dào, nhiều DN nhận đơn đến tháng 3 hoặc tháng 6 năm sau, thậm chí dài hơn. Với thực tế này, ông Phương cho biết DN Việt có thể lựa chọn đơn hàng lợi nhuận tốt.
"Tôi khá bất ngờ khi sự phục hồi của các DN ngành gỗ đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, có trên 70% DN ngành này đã tái sản xuất, lượng hồ sơ xin việc cũng lớn và cách tiếp cận khi có F0 trong nhà xưởng đã khác nên tâm thế của các DN rất chủ động để sản xuất" - ông Phương nói.
Tương tự, phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cũng cho hay lượng đơn hàng đối với ngành dệt may hiện không thiếu, nhiều DN có đơn hàng đến giữa năm sau, số lượng công nhân trở lại nhà xưởng cũng tăng lên mỗi ngày.
Ông Việt cho rằng quan trọng nhất là việc chống dịch đã giao về cho DN nên các DN đã chủ động hơn. Về thị trường, DN dệt may Việt vẫn có lợi thế nên yên tâm về đơn hàng.