Thầy giáo mang xe đạp lên bục giảng bài

Theo đó, khi dạy vấn đề chuyển động tròn đều (lớp 10), thầy Hùng đã đem xe đạp lên bục giảng để giảng giải về hệ thống chuyển động của đĩa đạp, đĩa líp xe đạp, chuyển động quanh bánh xe, cũng như phân tích lực giữa hai bánh xe…

(ĐTTCO) - Đây là một trong nhiều hình ảnh thú vị trong các tiết dạy của thầy Trần Xuân Hùng, giáo viên môn vật lý, Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Và phương pháp trực quan, sinh động này được học trò rất yêu thích.

Theo đó, khi dạy vấn đề chuyển động tròn đều (lớp 10), thầy Hùng đã đem xe đạp lên bục giảng để giảng giải về hệ thống chuyển động của đĩa đạp, đĩa líp xe đạp, chuyển động quanh bánh xe, cũng như phân tích lực giữa hai bánh xe…

Trò chuyện với Thanh Niên Online, thầy Hùng cho biết sở dĩ đem cả xe đạp lên bục giảng để giảng bài như thế vì khi dạy vấn đề gì đó cần liên hệ thực tế để học sinh có thể dễ hình dung và hiểu nội dung bài học. Chứ dạy lý thuyết không thì học sinh dễ mơ hồ, khó hiểu.

Thực tế, có rất nhiều học sinh thích thú với cách dạy của thầy Hùng. Quỳnh Anh, học sinh lớp 10 của trường, cho biết: “Nếu như chỉ đọc lý thuyết, không được tận mắt nhìn những sự chuyển động của bánh xe thì có lẽ rất khó để hiểu sâu vấn đề. Trong khi đó, nhờ thầy đem xe lên bục giảng, em hiểu bài một cách cặn kẽ”.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh từng được thầy Hùng dạy cũng nhận xét: “Dù không thích môn vật lý nhưng lại rất thích tiết dạy của thầy, vì rất sinh động”; hay “Tiết dạy của thầy Hùng không bao giờ nhàm chán”…

Thầy Hùng cho biết thêm: “Tôi thích dạy với phương pháp trực quan cụ thể như vậy. Không phải là trực quan một cách máy móc, mà là đưa những vật liệu, thiết bị đã được áp dụng trong thực tế để làm ví dụ cho bài học. Có như vậy học sinh mới hiểu được bài tốt hơn”.

Một trong nhiều hình ảnh thú vị trong các tiết dạy của thầy Trần Xuân Hùng.
Một trong nhiều hình ảnh thú vị trong các tiết dạy của thầy Trần Xuân Hùng.

Chính vì thế nên không chỉ có xe đạp mà bất kỳ vật gì trong thực tế, hoặc những đồ vật có sẵn trong phòng học có liên quan đến nội dung bài học, đều được thầy Hùng đem lên bục giảng và biến chúng thành công cụ để giảng bài nhằm giúp học sinh dễ hiểu.

“Như khi dạy bài cơ năng biến thành điện năng, tôi làm cái trục quay có đèn, khi quay đèn sáng và học sinh nhìn vào sẽ hiểu nội dung bài học. Hay khi dạy rơi tự do, thì viên phấn cũng có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc giảng bài... Học sinh chỉ việc quan sát là có thể tự trả lời, tự giải đáp những thắc mắc”, thầy Hùng kể.

Các tin khác