Trong cuộc họp G7 cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới đang chia rẽ, không giống cách nay 11 năm. Vào ngày 10-10-2008, các Bộ trưởng tài chính từ các nước G7 đã xoa dịu sự hoảng loạn sau vụ phá sản của Lehman Brothers Holdings Inc. bằng cách đưa ra một tuyên bố hứa hẹn hành động khẩn cấp và chưa từng có.
Các lãnh đạo đã nhanh chóng đồng ý gạt bỏ những hiềm khích sang một bên, đồng thời hợp sức với các lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Brazil và các cường quốc mới nổi khác dưới sự bảo trợ của G20 vào 1 tháng sau đó. Bằng cách đó, họ đã giúp thế giới vượt qua khủng hoảng.
Nhưng tình hình hiện nay hoàn toàn khác. Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho các công ty Mỹ tìm kiếm một sự thay thế cho Trung Quốc. Trung Quốc mới đây đã trả đũa Mỹ với thuế quan đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD bao gồm đậu nành, ô tô, dầu. Hôm 23-8, ông Trump tiếp tục đẩy bất đồng lên cao khi đăng Twitter “chúng ta không cần Trung Quốc” và Mỹ sẽ “tốt hơn nếu không có họ”. Ở trong nước, ông bóng gió Chủ tịch FED Jerome Powell là một “kẻ thù”.
Sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, các Bộ trưởng tài chính G7 đã thổi còi chiến đấu và G20 đã thực hiện một vòng kích thích tài chính phối hợp. Nhưng chính các ngân hàng trung ương đã làm công việc thực tế. Họ đã cắt giảm lãi suất chuẩn, và một số ngân hàng lớn nhất đã dùng ngàn tỷ USD để mua trái phiếu và các tài sản tài chính khác. Nỗ lực là một thành công rõ ràng trong việc chống suy thoái toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương hiện nay không thể đối phó với cuộc suy thoái tiếp theo với sức mạnh từng có. Lãi suất chuẩn của CFED vào khoảng 5% vào đêm trước cuộc khủng hoảng tài chính lần trước, hiện nay nó chỉ 2,25%. Con số này ở châu Âu gần bằng 0 hoặc thậm chí âm trong một số trường hợp. Vì vậy, có thể nói họ không có nhiều “đạn” để chiến đấu như cuộc khủng hoảng trước.
Vì vậy, chính sách tài khóa cần phải đóng một vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, một số nền kinh tế lớn đang gánh rất nhiều nợ, có thể “trói tay” một vài bộ tài chính quan trọng. Vấn đề lớn hơn là tình trạng bất ổn chính trị ở rất nhiều quốc gia.
Các ngân hàng trung ương là lực lượng tiên phong trong một cuộc khủng hoảng vì họ có thể triển khai nhanh hơn rất nhiều. Trong khi đó, chính sách tài khóa phải trải qua giai đoạn dự thảo và phê duyệt trước khi tiền được chi tiêu và tạo hiệu ứng trong nền kinh tế. Sẽ mất nhiều tháng để tiền đi vào nền kinh tế, đó là trong những tình huống tốt nhất.