Thư Singapore

Thể hiện lòng yêu nước

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) 

Trong không khí lễ hội tưng bừng mừng Quốc khánh lần thứ 46 của đảo Sư Tử đầu tháng 8 vừa rồi (9-8-1965 – 9-8-2011), ngoài truyền thống treo cờ nước tại công sở, khu dân cư, nhiều người còn thấy quốc kỳ Singapore được trang trí trùm trên kính chiếu hậu xe hơi.

Giá của chiếc quốc kỳ trang trí mừng Quốc khánh khác thường này là 10 đôla Singapore (SGD - tương đương 165.000 VNĐ) được bày bán từ đầu tháng 7 ở 130 điểm bán xăng dầu trên toàn đảo quốc và trên trang web www.flyourflag.sg.

Điều đặc biệt người sáng chế ra sản phẩm “ăn theo” Quốc khánh không phải là công dân Singapore mà là doanh nhân gốc Ấn Độ quốc tịch Anh, ông Wade Bhatti. Ông tiết lộ ý tưởng kinh doanh chỉ là bắt chước, khi tham quan thành phố cảng Gordon’s Bay, gần Captown, trong thời gian diễn ra World Cup tại Nam Phi năm 2010 thấy một người trang trí xe hơi của mình bằng cách trùm lên kính chiếu hậu một bên quốc kỳ Nam Phi còn bên kia quốc kỳ Anh.

Nhưng ý tưởng kinh doanh của Bhatti không dễ được chấp nhận, bởi lẽ, quốc kỳ là vật thiêng liêng không được thương mại hóa. Singapore cũng quy định cụ thể về việc sử dụng quốc kỳ: không được dùng làm tên thương mại, vì mục đích kinh doanh, quảng cáo, trang trí, che phủ, đệm lót hay viết chữ lên; không được treo trong lễ tang của dân thường; không dùng làm quần áo hay phương tiện vận chuyển cá nhân; quốc kỳ phải được giữ sạch sẽ không dơ bẩn, nếu cũ hay rách phải thay mới, thậm chí phải gói trong túi kín trước khi bỏ vào thùng rác.

Tháng 11 năm ngoái, đội tuyển bóng nước quốc gia Singapore đã bị dư luận lên án vì sử dụng trang phục thi đấu thiết kế lấy chủ đề quốc kỳ, đặc biệt biểu tượng lưỡi liềm trên quốc kỳ lại nằm dưới đũng quần. Sau đó đội tuyển bóng nước quốc gia đã bị Bộ Thông tin - Truyền thông và Nghệ thuật (MICA) phê bình.

Rút kinh nghiệm từ sai lầm đó, ông Bhatti đã xin phép Cục Quản lý đường bộ (LTA) và Cục Di sản Quốc gia (NHB) thuộc MICA và được chấp thuận vào đầu tháng 5. Mặc dù không ngăn cấm việc bán các sản phẩm đặc biệt này trên thị trường, nhưng các cơ quan chức năng yêu cầu phải tôn trọng quốc kỳ và lời nhắc nhở này cũng được nêu rõ trên trang web bán hàng.

Ngoài ra, mặt hàng này chỉ được bày bán trong thời gian đón mừng Quốc khánh hàng năm, tức từ 1-7 đến 30-9. Theo Nghị sĩ Baey Yam Keng, Phó Chủ nhiệm MICA, Singapore đã nới lỏng quy định về việc sử dụng các biểu tượng quốc gia từ nhiều năm nay.

Ông Baey nói: “Yêu nước không chỉ đơn thuần là đọc Lời thề Quốc gia (Pledge) mà còn từ những việc nhỏ nhất để biểu lộ tình yêu với đất nước. Đây là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước một cách độc đáo”. Một người dân Singapore chia sẻ niềm vui khi có nhiều người trên đường chú ý đến hai chiếc kính chiếu hậu có quốc kỳ Singapore.

Tôi không chắc ý tưởng kinh doanh nói trên của doanh nhân Bhatti nếu đưa vào Việt Nam có được chấp thuận hay không. Nhưng dù là cán bộ viên chức nhà nước hay doanh nhân, bạn hãy cố gắng làm một cái gì khác biệt và độc đáo để thể hiện lòng yêu nước của mình.

Đó có thể là một điều gì gắn liền với màu cờ đỏ ngôi sao vàng, trống đồng, Văn Miếu, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, địa đạo Củ Chi hay bất cứ biểu tượng phản ánh bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.

Theo tôi, yêu nước không chỉ bằng biểu hiện bên ngoài, lời nói mà còn phải qua những hành động cụ thể, từ việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo hoàn thành công việc đến giữ vững những mối quan hệ lành mạnh với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác kinh doanh hay tham gia hoạt động xã hội.

Và phải chăng, bí quyết thành công của Singapore, một đất nước phát triển thịnh vượng và ổn định, thu hút nhân tài từ khắp năm châu bốn biển là giúp cho mọi cư dân ở đây, cho dù là công dân hay người nước ngoài, đều có cơ hội thể hiện lòng yêu nước.

Singapore, ngày 27-8-2011

Các tin khác