Thế vận hội không khán giả: Nhật Bản liệu có thành công sau cánh cửa đóng kín?

(ĐTTCO) - Nếu tổ chức thành công Olympic Tokyo 2020, sự kiện vốn bị hoãn lại do đại dịch Covid-19, Nhật Bản sẽ giúp thế giới có được cái nhìn về bản chất của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Shinzo Abe khi vừa nhậm chức năm 2012 là việc giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2020. Madrid và Istanbul khi ấy là những thành phố tiềm năng để trở thành chủ nhà của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản giành quyền đăng cai Thế vận hội đã cho thấy quyết tâm của Tokyo. Chính quyền của ông Abe muốn thông qua sự kiện để truyền đi thông điệp: Nhật Bản sẽ hồi sinh và tự tin sau nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ, mở cửa với thế giới và nối lại tinh thần của một quốc gia trẻ trung từ hồi Olympic Tokyo 1964, khi Nhật Bản lần đầu tuyên bố mình là một cường quốc dân chủ.

Năm 2021, Nhật Bản quyết tâm tổ chức sự kiện thể thao này ngay cả khi dịch bệnh hoành hành trên khắp thế giới. Khán giả cũng không thể tới các địa điểm thi đấu theo dõi các vận động viên vì giãn cách xã hội. Không những vậy, nhiều người dân Nhật Bản đang lên tiếng phản đối sự kiện này. Tất cả những điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu Nhật Bản có tổ chức thành công Olympic Tokyo hay không?

Giống như tên gọi, Tokyo sẽ là thành phố chủ nhà của sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, thủ đô nước Nhật là một trong những đô thị chịu thiệt hại nặng nề nhất sau 18 tháng dịch bệnh hoành hành. Ngay ở thời điểm hiện tại, dịch vẫn chưa được khống chế, kéo theo đó là những màn thi đấu đỉnh cao vắng bóng khán giả. Trong bối cảnh đấy, thông điệp hồi sinh kinh tế, nối lại tinh thần năm 1964, ít nhiều mất đi giá trị.

Thế vận hội không khán giả: Nhật Bản liệu có thành công sau cánh cửa đóng kín? - Ảnh 1.

Lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo 1964. Ảnh: Getty

Rủi ro chính trị

Ông Yoshihide Suga, người thay thế ông Abe nắm giữ chức vụ thủ tướng, cho rằng Olympic là biểu tượng chiến thắng của thế giới trước Covid-19, vậy nên Nhật Bản cần phải đi trước. Ông muốn gửi thông điệp về hy vọng và lòng dũng cảm từ Nhật Bản ra thế giới.

Nhưng một lần nữa, những tuyên bố hào hùng ấy đã bị hủy hoại khi nhìn vào thực tế cách mà các cuộc thi đấu được tổ chức. Sau khi đưa ra thông báo có tới 10.000 khán giả được phép tham dự một số sự kiện, ông Suga đã phải thay đổi và ban bố tình trạng khẩn cấp mới khi các ca mắc Covid-19 gia tăng ở thủ đô.

Và như thế, Olympic Tokyo 2020 phải tổ chức sau những cánh cửa đóng kín. So với những giải đấu tiếng tăm gần đây với đám đông khán giả tham dự như giải vô địch bóng đá Euro 2020 và giải quần vợt Wimbledon, Olympic Tokyo 2020 dường như tượng trưng cho những gì đã mất vì Covid-19 hơn là bất kỳ chiến thắng nào.

Về phần ông Suga, Thế vận hội là một canh bạc chính trị có tính toán. Theo quan điểm của nhà phân tích chính trị Masatoshi Honda, một Thế vận hội thành công là điều kiện để ông Suga được bầu lại làm chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Làn sóng chỉ trích đối với Olympic đã nổi lên từ các đảng đối lập, các nhân vật xã hội, các bác sĩ và sự phẫn nộ từ những người chịu trách nhiệm trực tiếp, đặc biệt là Ủy ban Olympic Quốc tế.

Các nhà tài trợ cũng bất bình vì họ đã phải chi trả nhiều hơn bất kỳ sự kiện thể thao nào khác trong lịch sử mà hiệu quả tiếp thị lại rất kém. Olympic Tokyo 2020 đã huy động hơn 3 tỷ USD chỉ riêng từ các nhà tài trợ Nhật Bản.

Quyết định hoãn Thế vận hội đã dẫn đến cuộc tranh giành để đàm phán lại hàng nghìn hợp đồng thương mại. Mặc dù đầu tư tốn kém, các doanh nghiệp tài trợ hiện đang phải đối mặt với những rủi ro về danh tiếng mà trước đại dịch họ không thể lường trước được.

Về phía các nhà phát sóng, tình hình có vẻ lạc quan hơn. Đài NBC, chủ bản quyền của Mỹ, cho biết họ đã bán được hơn 1,2 tỷ USD tiền quảng cáo xung quanh Thế vận hội, nhiều hơn số tiền thu được hồi Thế vận hội Rio.

Yuki Kusumi, tân giám đốc điều hành của Panasonic, cho rằng một số khía cạnh của Thế vận hội sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả khi tổ chức mà không có khán giả. Công ty Panasonic cung cấp màn hình lớn, thiết bị âm thanh và máy chiếu cho các sân vận động, là nhà tài trợ toàn cầu cho các Thế vận hội cho đến năm 2024, đã ước tính vào giữa năm 2019 rằng chỉ riêng Thế vận hội Tokyo sẽ tạo ra doanh thu hơn 200 tỷ yên (1,8 tỷ USD).

Thế vận hội không khán giả: Nhật Bản liệu có thành công sau cánh cửa đóng kín? - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita (bên trái). Ảnh: AP

Các cuộc thi đấu bị cô lập

Đối với các vận động viên, đây sẽ là một trải nghiệm rất khác. Họ sẽ chỉ được phép vào Làng Olympic trong vài ngày khi diễn ra cuộc thi đấu của họ. Các cuộc kiểm tra virus liên tục được tiến hành và họ sẽ bị phạt rất khắt khe nếu vi phạm bất kỳ quy định hạn chế Covid-19 nào.

Các quy định phức tạp xung quanh các cuộc thi đấu đang gây ra vấn đề về sự gắn kết. Các vận động viên được yêu cầu đeo khẩu trang mọi lúc, trừ việc ăn, ngủ và thi đấu. Các tấm chắn cũng được lắp đặt để hạn chế sự tiếp xúc giữa những người tham gia.

Khoảng 11.000 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympic sẽ đến Nhật Bản trong những tuần tới, cùng với 41.000 huấn luyện viên, giám khảo và các quan chức khác. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu tất cả các biện pháp phòng ngừa Covid-19 sẽ có tác động đến sự cạnh tranh.

Chủ tịch ban tổ chức Tokyo 2020 Seiko Hashimoto thừa nhận rằng nhiều vận động viên sẽ bị gián đoạn công tác chuẩn bị và họ có ít thời gian hơn để thích nghi với khí hậu nóng ẩm ở địa phương.

Thế vận hội không khán giả: Nhật Bản liệu có thành công sau cánh cửa đóng kín? - Ảnh 3.

Cảnh sát và các nhân viên Olympic tại lối vào Làng vận động viên Tokyo. Ảnh: RT

Một sự kiện được thu gọn

Mặc dù được tổ chức theo một cách rất khác biệt, Olympic Tokyo 2020 đem lại hy vọng là rút ra được một di sản tích cực cho thủ đô của Nhật Bản và trả lời câu hỏi về sự tồn tại của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Trong nhiều thập kỷ qua, các thành phố trên khắp thế giới đã rút khỏi các cuộc đấu thầu đăng cai Thế vận hội. Các quốc gia tin rằng việc chi tiêu cho Olympic không thể minh giải cho bất kỳ lời lãi kinh tế tiềm năng từ việc đăng cai. Quan điểm này dần phổ biến sau khi ước tính chi phí Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 lên tới 51 tỷ USD khi tính đến việc xây dựng các tuyến đường giao thông và cơ sở hạ tầng.

Ngân sách ban đầu cho Tokyo 2020 là 1350 tỷ yên (12,2 tỷ USD). Sau thời gian trì hoãn, con số đó đã được điều chỉnh lên thành 1.640 tỷ yên (14,84 tỷ USD), với phần lớn khoản phụ trội đến từ hầu bao của công chúng. Với quyết định tổ chức các cuộc thi đấu mà không có khán giả, những người đóng thuế ở Tokyo đang phải hoàn lại số tiền lên tới 90 tỷ yên tiền bán vé.

Số lượng người tham dự đã giảm hơn 2/3 từ 141.000 xuống còn 41.000. Tuy nhiên, nếu tổ chức thành công Thế vận hội, Nhật Bản sẽ cho các quốc gia khác thấy được điều gì cần thiết và điều gì không, đồng thời tạo một đòn bẩy cho các sự kiện quy mô nhỏ gọn hơn trong tương lai.

Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế cho rằng các cuộc thi đấu ở Tokyo lần này sẽ là minh chứng cho sự thích nghi của Thế vận hội đối với các nhu cầu và khả năng của từng thành phố đăng cai.

Thay vì khẳng định sự hồi sinh của quốc gia, hay là sự ganh đua thắng thua của nhân loại với kẻ thù vô hình Covid-19, Thế vận hội tốt nhất chỉ nên đơn thuần là một sự kiện thể thao. Sau khi mọi thứ được cắt giảm, tất cả những gì còn lại của Olympic Tokyo 2020 sẽ là các vận động viên và những câu hỏi đơn giản như: Ai nhanh nhất? Ai nhảy cao nhất? Ai khỏe nhất?

Các tin khác