(ĐTTCO) - Danh sách các dự án, nhà máy thua lỗ nghìn tỷ vùa được Ban chỉ đạo của Chính phủ công bố gồm 12 dự án lớn thuộc ngành Công Thương.
Trong đó, có 5 dự án, nhà máy thua lỗ, hoạt động yếu kém không hiệu quả được Quốc hội mổ xẻ trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV gồm: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, nhà máy Bột giấy Phương Nam, nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy Đạm Ninh Bình.
7 dự án, nhà máy mới được bổ sung vào danh sách xử lý thua lỗ trong năm 2017 là nhà máy Đạm Hà Bắc, nhà máy Phân bón DAP 1 Lào Cai, nhà máy Phân bón DAP 2 Hải Phòng, nhà máy Ethanol Bình Phước, nhà máy Ethanol Phú Thọ, nhà máy Đóng tàu Dung Quất cùng dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy Gang thép Lào Cai.
Điểm chung của 7 nhà máy, dự án thua lỗ vừa được bổ sung vào danh sách phải xử lý đều đang hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Nhưng mức độ thua lỗ chưa nghiêm trọng như 5 dự án mà Quốc hội yêu cầu Chính phủ xử lý.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, trong số 12 dự án trong danh sách thua lỗ, Bộ đang mời một số doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài liên quan trong ngành giấy như Lee & Man, An Hoà và một vài DN khác làm về giấy bao bì khác tham gia mua lại dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam. Theo kế hoạch, Nhà máy Bột giấy Phương Nam quy mô đầu tư ban đầu 3.000 tỷ đồng sẽ được tiến hành bán đấu giá để tìm người mua cuối cùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc ai mua được và giá bán ra sao sẽ do thị trường quyết định và phải chờ kết quả trong thời gian tới. Giá trị bán nhà máy thu được sẽ cộng dồn vào giá trị của Tổng công ty Giấy Việt Nam và thực hiện cổ phần hoá tổng công ty. Đối với 11 dự án còn lại, hiện Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục tìm phương án phù hợp để cơ cấu lại.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Chính phủ vừa diễn ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án này.
Theo đó, các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị. Những dự án, nhà máy không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bì lỗ, hỗ trợ cho các dự án thua lỗ.