Trong chương trình bình ổn giá năm 2010 và Tết 2011, TPHCM đã hỗ trợ hơn 380 tỷ đồng cho 14 DN tham gia bình ổn thị trường. Năm nay, số tiền TP chi cho chương trình này tăng lên 412 tỷ đồng.
Mới đây, TPHCM đã quyết định chi thêm 60 tỷ đồng để bình ổn giá thuốc. Tuy nhiên, trong tháng 4-2011 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tại TPHCM vẫn tăng đến 13,99% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình đang đòi hỏi phải có giải pháp khả thi, hữu hiệu hơn cho chương trình bình ổn giá năm nay.
Trong chương trình bình ổn giá năm 2010, mức giá bình ổn đã dẫn đến cơ chế 2 giá trên thị trường, gây ra tình trạng người tiêu dùng tranh nhau mua hàng bình ổn; nhiều người còn lợi dụng giá rẻ, thu mua để đầu cơ; nhiều điểm bán hàng không thực hiện đúng quy định của chương trình… Trong những tháng đầu năm nay, hàng hóa không còn tuân theo quy luật cũ là sau Tết Nguyên đán sẽ hạ giá mà vẫn tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng biến động lãi suất, tỷ giá và diễn biến của thị trường thế giới.
Trong tình hình đó, hàng bình ổn cũng được phép tăng giá theo biểu đồ chung, dù vẫn phải kiềm ở mức thấp hơn giá thị trường 10%. Như vậy, nếu trong thời gian tới giá cả thị trường tiếp tục tăng cao, hàng bình ổn cũng tăng theo, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định chương trình bình ổn chỉ có hiệu ứng tâm lý xã hội chứ chưa thật sự trở thành công cụ điều tiết thị trường để mang lại hiệu quả về kinh tế. Thực tế cho thấy dù TPHCM đã cố gắng hỗ trợ, có kế hoạch tăng chi phí hỗ trợ không tính lãi, nhưng các DN vẫn than lỗ và yêu cầu được tăng giá bán từ 10-15% mới tiếp tục tham gia chương trình bình ổn giá.
Dù còn nhiều hạt sạn nhưng thực tế không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà chương trình bình ổn giá đã mang lại trong những năm qua. Tuy nhiên, để chương trình tiếp tục phát triển, cần phải có sự liên kết hỗ trợ không chỉ từ phía UBND TPHCM, Sở Công Thương và các sở ban ngành khác, mà còn cần có sự liên kết giữa các DN, các tiểu thương để kiểm soát giá bán lẻ trên thị trường, giữ giá ở mức hợp lý và tránh tình trạng té nước theo mưa.