Thêm nhiều tuyến đường kết nối Ðông Nam Bộ

(ĐTTCO)-Không chỉ có thêm một tuyến đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương mới khánh thành, tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất thêm nhiều đường kết nối
Ðường và cầu kết nối Bình Dương - Tây Ninh đưa vào sử dụng sáng 26-12. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Ðường và cầu kết nối Bình Dương - Tây Ninh đưa vào sử dụng sáng 26-12. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Ngày 26-12, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ khánh thành dự án đường và cầu kết nối 2 địa phương. Như vậy, sau hơn 2 năm xây dựng, dự án đã hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Nối nhịp cầu vui

Có mặt từ rất sớm, ông Trần Trung Xuân (ngụ thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) nói vậy là sau 2 năm dự án đã kịp nối nhịp cầu vui, thỏa lòng mong đợi của người dân, doanh nghiệp của 2 địa phương. "Tôi tin rằng sau ngày hôm nay, cuộc sống người dân đôi bờ chắc chắn sẽ thay đổi, đi lên" - ông Xuân nói.

Theo ông Xuân, dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương - Tây Ninh có điểm đầu giao với đường ÐT 744 (thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối đấu nối vào dự án đường Ðất Sét - Bến Củi (thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), khi thông xe, cả cầu và đường đều có 6 làn xe thoải mái cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh công trình không chỉ kết nối giữa 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, mà còn mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới; đặc biệt, hình thành một hành trình mới giúp lưu thông hàng hóa trong vùng thuận lợi.

"Ngoài ra, công trình còn thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị hai địa phương đối với vùng nói chung và hai địa phương nói riêng; nhất là hiện thực hóa mong mỏi của người dân huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định đây là một trong những dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, tạo thuận lợi lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự gắn kết cho nhân dân 2 địa phương.

Quan trọng hơn, dự án sẽ góp phần đẩy nhanh sự kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển không chỉ 2 tỉnh mà còn cả khu vực Ðông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển từ các địa phương đến các đầu mối giao thông quan trọng quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3, Vành đai 4, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải...

"Ngoài đẩy mạnh kết nối với Tây Ninh, hiện Bình Dương cũng đang có hàng loạt dự án kết nối với Ðồng Nai để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững của tỉnh với phương châm "giao thông luôn đi trước một bước" - ông Dành nói.

Nhiều năm nay, tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 51 nối Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu luôn trong tình trạng quá tải phương tiện. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Hàng loạt đề xuất kết nối

Không chỉ có Tây Ninh - Bình Dương - Ðồng Nai đẩy mạnh kết nối giao thông, ở Ðông Nam Bộ, tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cũng đang phối hợp nghiên cứu để đề xuất quy hoạch thêm nhiều tuyến giao thông kết nối mới phục vụ nhu cầu phát triển của 2 địa phương nói riêng và cả vùng.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Ðồng Nai, BR-VT và Ðồng Nai đã và đang có đóng góp lớn đối với nền kinh tế - xã hội của không chỉ trong vùng mà còn của cả nước. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối đang là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung. Hiện nay Ðồng Nai kết nối với BR-VT chủ yếu thông qua 2 tuyến giao thông chính là Quốc lộ 51 (quy mô 8 làn xe) và Quốc lộ 56 (quy mô 2 làn xe).

"Lưu lượng xe trên tuyến Quốc lộ 51 rất lớn, vượt khả năng đáp ứng của tuyến đường, tình trạng ùn ứ phương tiện diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, Quốc lộ 56 quy mô khá nhỏ, khó đáp ứng nhu cầu vận tải khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đưa vào vận hành trong tương lai" - ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai, đánh giá.

Ngoài 2 tuyến quốc lộ nói trên, việc kết nối giao thông giữa 2 tỉnh còn được thực hiện thông qua tuyến ÐT 764 (điểm đầu giao với Quốc lộ 56 trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, điểm cuối giáp ranh với tỉnh BR-VT) và tuyến ÐT 765 (điểm đầu giao với Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, điểm cuối giáp ranh với tỉnh BR-VT). Dù vậy, cả 2 tuyến giao thông kết nối này có quy mô nhỏ trong khi phương tiện lưu thông khá đông nên cũng khó đáp ứng nhu cầu.

Ðể tháo điểm nghẽn nói trên và hoàn chỉnh phương án phát triển GTVT của tỉnh, Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai đã có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh BR-VT lấy ý kiến đối với các đề xuất phương án hạ tầng giao thông kết nối giữa 2 địa phương. Theo đó, ngoài tuyến Quốc lộ 51C đã được phê duyệt theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai kiến nghị Sở GTVT tỉnh BR-VT xem xét thống nhất phương án kết nối 2 tuyến đường mới từ địa phận huyện Long Thành (Ðồng Nai) đến tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (BR-VT).

Sau khi nghiên cứu, mới đây, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT, đã có văn bản phản hồi. Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT, với tuyến Quốc lộ 51C, địa phương này thống nhất với đề xuất của Ðồng Nai. Kế đến, Sở GTVT tỉnh BR-VT thống nhất với phương án xây dựng tuyến đường kết nối từ ÐT 770B của tỉnh Ðồng Nai đến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao của tỉnh BR-VT.

Riêng đề xuất phương án xây dựng tuyến đường từ ranh sân bay Long Thành đến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao, Sở GTVT tỉnh BR-VT cho rằng tính khả thi không cao do nằm trong ranh giới khu công nghiệp.

Ðặc biệt, Sở GTVT tỉnh BR-VT đề nghị phía Ðồng Nai nghiên cứu quy hoạch thêm 5 tuyến đường để kết nối 2 địa phương. Ðó là tuyến đường kết nối ÐT 995C (BR-VT) với ÐT 770 (Ðồng Nai); tuyến đường kết nối ÐT 21, 22 (BR-VT) với ÐT 765B (Ðồng Nai), tuyến đường kết nối đường huyện 24 (BR-VT) với ÐT 765B và ÐT 764 (Ðồng Nai), quy hoạch tuyến đường huyện phía tỉnh Ðồng Nai kết nối với đường huyện 25B phía BR-VT, quy hoạch tuyến đường kết nối đường huyện 29C (BR-VT) với ÐT 764 (Ðồng Nai).

Các tin khác