Ngày 5-7, hơn 2.000 người lao động có mặt tại Bệnh viện TP Thủ Đức làm test nhanh dịch vụ. Để đảm bảo giãn cách, bệnh viện phải mượn 1 trường học gần đó để thực hiện. Ngày 6-7, dòng người dồn ứ trước cổng Bệnh viện Quân dân y miền Đông cũng chung mục đích.
Tại một số địa phương, người dân muốn ra vào để lấy hàng hóa hay làm việc, đều phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính, chứng minh mình không mắc Covid-19. Quy định này được các tỉnh thành đưa ra, khi giao thương trong Vùng kinh tế phía Nam vẫn duy trì. Song song đó là nguy cơ lây lan mầm bệnh từ người lao động vùng dịch.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một tài xế xe container, phải đợi từ sáng đến chiều, vẫn quyết tâm phải thực hiện test nhanh Covid-19. Nếu không, anh sẽ mất đi công việc đang là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình trong lúc này, bất chấp nguy cơ anh Tuấn có thể lây bệnh trong đám đông.
Nếu làm 1 phép tính đơn giản, giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày, với mức phí từ 250.000 - 350.000 đồng/lần, thì cứ 10 ngày người lao động mất 750.000 - 1.050.000 đồng. Số tiền này không lớn với người giàu, nhưng là cả một vấn đề với người nghèo, nhất là trong cơn bão dịch Covid-19.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, kết quả âm tính chỉ có ý nghĩa xác nhận người dân không mắc Covid-19 từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm trở về trước. Do đó, quy định này chỉ mang giá trị tức thời. Ngoài ra, theo một số chuyên gia y tế nếu sử dụng giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính để đi lại giữa các địa phương thì giấy này chỉ có giá trị tương đối vì không thể khẳng định chắc chắn người này không mắc Covid-19 những ngày sau đó.
Điều quan trọng nhất là người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đồng thời các địa phương phải thống nhất để giấy xét nghiệm có hiệu lực cùng một thời hạn.
Và như thế, quy định được đặt ra nhằm đảm bảo phòng chống dịch lại có thể gây ra lãng phí và vô tình mang lại nguy cơ cho người lao động. Còn người lao động, vì mưu sinh, họ vốn không có lựa chọn nào khác!