Xuất khẩu gặp bất lợi
Theo báo cáo tài chính quý III vừa qua, NKG ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.188 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 64,8 tỷ đồng, tăng 174,5%. Tuy nhiên, mức tăng này được so sánh trên nền thấp của cùng kỳ năm 2023.
Thực tế, nếu so với quý trước, doanh thu của NKG ghi nhận mức giảm 8,3%, đặc biệt doanh thu xuất khẩu (chiếm 70% tổng doanh thu) giảm 10% , trong bối cảnh các nước nhập khẩu tăng cường bảo hộ thương mại. Tương tự, lợi nhuận sau thuế giảm 70,5% so với quý II, do doanh thu tài chính giảm 47% so với quý trước, đạt 59,67 tỷ đồng.
Có thể nói, khó khăn với kênh xuất khẩu của ngành thép nói chung và NKG nói riêng mới chỉ ở giai đoạn đầu, còn thực tế đang gặp nhiều thách thức trong thời gian tới, do các nước nhập khẩu bảo hộ thương mại. Từ tháng 6 tới nay, các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như EU, Mỹ, Malaysia đã có những động thái liên quan đến việc điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam.
Trong khi NKG có tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 70% trong cơ cấu doanh thu, thị trường chính tập trung ở EU và Bắc Mỹ. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào thế khó trong thời gian tới, do rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu.
Nội địa đón… hung tin
Trong khi thị trường xuất khẩu gặp khó, thì thị trường nội địa vẫn trong tình trạng chưa rõ ràng. Hiện nhu cầu nội địa được kỳ vọng hồi phục từ thị trường xây dựng, và các dự án đầu tư trọng điểm được đẩy mạnh triển khai giai đoạn cuối năm.
Ngoài ra, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ tạm thời (mã vụ việc AD19) có thể được áp dụng vào đầu quý I-2025, giúp gia tăng sản lượng nội địa. Tuy nhiên, NKG vẫn chịu sự cạnh tranh từ thép giá rẻ nhập khẩu Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, lượng nhập khẩu sắt thép tăng 51% và cao hơn cả năm 2023 với giá nhập khẩu giảm 7%. Ngoài ra, lượng đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong nước lớn, ước tính khoảng hơn 200.000 tỷ đồng giai đoạn nửa cuối năm 2024-2025, sẽ tạo áp lực lên dòng tiền, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Từ thực tế này, các chuyên viên phân tích của Agriseco Research nhận định, kết quả kinh doanh của NKG sẽ chững lại trong quý tới. Nguyên nhân do kênh xuất khẩu còn khó khăn, trong khi thị trường nội địa vừa đón nhận tin xấu. Cụ thể, ngày 12-11, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3011, về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD01).
Quyết định số 3011 của Bộ Công Thương nêu rõ: “Trên cơ sở kết quả rà soát, thực hiện quy định của WTO, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn và ý kiến của các bên liên quan, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt, không gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Đài Bắc (Trung Hoa), Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Cổ phiếu mất đà
Trước khi đón nhận hung tin từ Bộ Công Thương, nhóm cổ phiếu thép có sóng tăng khá tốt, thậm chí còn đi ngược xu hướng lao dốc của thị trường chung. Đáng nói, một trong những nguyên nhân tạo sóng cổ phiếu thép cũng bắt nguồn từ thị trường Trung Quốc.
Trước đó, quốc gia này hứng chịu bão Benica (cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong 70 năm qua), đã phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng tại Thượng Hải và Giang Tô. Vì vậy, nhu cầu thép của Trung Quốc có thể sẽ tăng trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu tiêu thụ cho kế hoạch tái thiết nhà ở và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, việc Chính phủ Trung Quốc xem xét các biện pháp lớn hơn để giải cứu lĩnh vực bất động sản với mức kích thích lớn nhất lịch sử kể từ đại dịch Covid-19.
Các yếu tố nêu trên được dự báo sẽ thúc đẩy giá thép nội địa ở Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh. Một khi giá thép Trung Quốc tăng, sẽ kéo theo sự hồi phục của giá thép toàn cầu. Tại thị trường trong nước, giá thép cũng được kỳ vọng tăng trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu xây dựng và áp lực cung từ phía Trung Quốc giảm.
Thế nhưng, những yếu tố tưởng chừng sẽ tạo nên sự bứt phá, nay lại trở thành lực cản của NKG. Thực tế, ngay sau thông tin này, nhóm cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán như HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), NKG… bị nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo và có chuỗi giảm giá rất mạnh.
Mới đây, HĐQT của NKG đã thông qua hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Mục tiêu nhằm huy động 600 tỷ đồng để triển khai dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đây là dự án chiến lược của NKG với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (giai đoạn 1), bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang cho biết, nhà máy đã có giấy phép khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV-2025 hoặc quý I-2026 và đạt 100% vào năm 2027. Với nhà máy mới này, tổng công suất của NKG tăng từ 1 triệu tấn/năm lên 1,6 triệu tấn/năm.
Theo ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc NKG, việc xây dựng nhà máy nhằm chuẩn bị đón làn sóng phục hồi của thị trường thép toàn cầu trong năm 2025-2026.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ càng khiến cho viễn cảnh hồi phục của kinh tế toàn cầu trở nên mong manh hơn. Vì vậy, việc dồn vốn cho dự án lớn có thể xem là rủi ro lớn mà NKG đang đối mặt.
NKG có tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 70% trong cơ cấu doanh thu và các thị trường chính tập trung ở EU và Bắc Mỹ. Do vậy, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào thế khó trong thời gian tới, bởi các rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu.