Thu nhập lãi thuần chưa cải thiện
BIDV thuộc nhóm NHTMCP có có vốn nhà nước, với quy mô tài sản tính đến hết năm 2023 đứng đầu toàn ngành NH, đạt 2,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, mảng bán lẻ đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng khi chiếm đến 44%.
Theo báo cáo tài chính quý II-2024, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng trưởng 18% đạt 8.159 tỷ đồng, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 16% và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (tăng 5%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12%, chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi tăng 28% (riêng quý II tăng trên 46% so với cùng kỳ năm ngoái), và chi phí dự phòng gần như không thay đổi (tăng nhẹ 0,3%).
Tính đến hết quý II, BIDV có tốc độ tăng trưởng tín dụng là 5,9% so với đầu năm, tương đương với mức tăng chung của toàn ngành là 6%.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng của ngành là tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của BIDV chưa được cải thiện, nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận. Cũng như đa phần các NH có vốn nhà nước khác, BIDV cũng có tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao. Vì vậy, lợi suất không được tốt như nhóm NH cổ phần tư nhân.
Ngoài ra, BIDV còn phải cân đối mức lãi suất cho vay phù hợp với chiến lược theo từng giai đoạn, như hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong hiện tại. Với đặc thù này, dù tăng nhẹ 0,12% so với quý trước lên 2,5% sau khi giảm mạnh trong quý I, nhưng NIM của BIDV vẫn ở mức thấp trong nhiều năm.
Theo giới phân tích, tốc độ hồi phục NIM của BIDV đang chậm hơn tương đối so với các NH có vốn nhà nước còn lại, và dự báo sẽ còn tiếp tục gặp áp lực trong nửa cuối năm 2024, do chi phí vốn huy động (COF) không còn dư địa giảm, trong khi NH này vẫn đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất kéo dài đến cuối năm.
Nợ xấu gia tăng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 14,04%; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,4%. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, dù lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ nợ xấu của BIDV vẫn ở mức cao.
Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV tính đến cuối tháng 6 là 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó tăng mạnh nhất nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) với hơn 7.113 tỷ đồng (tăng 81%), nợ nghi ngờ 6.281 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn 15.292 tỷ đồng. Từ đó kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,26% đầu năm lên mức 1,52%.
Con số này cho thấy chất lượng tài sản chưa cải thiện, chủ yếu do sự hồi phục chậm của các ngành cho vay chính của BIDV. Trong đó tỷ lệ nợ xấu mảng bán buôn, bán lẻ tăng 60 điểm cơ bản so với 2023, đạt 2,3% trong nửa đầu năm.
Theo chia sẻ từ phía BIDV, nợ xấu chủ yếu phát sinh từ nhóm ngành xây dựng, do ảnh hưởng bởi sự trầm lắng của ngành bất động sản trong gần 2 năm trở lại đây. Với bối cảnh thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên, thì rủi ro này đang ngày càng được giảm bớt.
Tuy nhiên, có một thực tế mà nhà đầu tư cần lưu ý, BIDV có lợi thế từ lượng tiền gởi của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Theo thống kê, BIDV đã nhận được gần 75.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ KBNN, tương đương số dư huy động trên thị trường 1 trong cả quý. Đây là nguồn vốn chi phí thấp mà thường chỉ có các NH có vốn nhà nước mới tiếp cận được.
Với gần một nửa số vốn huy động mới trong quý đến từ nguồn tiền gửi KBNN lãi suất thấp, nên chi phí vốn của BIDV khó có thể tiếp tục giảm trong các quý cuối năm, trừ khi NH này tiếp tục nhận thêm được tiền gửi từ KBNN.
Ngược lại, việc duy trì các chương trình giảm lãi suất cho vay đến hết năm, có thể tiếp diễn xu hướng giảm lợi suất tài sản sinh lãi, từ đó gây áp lực đến NIM. Thực tế này dẫn đến nhận định cho rằng, BIDV khó có khả năng duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm, như từng đạt được ở nửa đầu năm 2024.
Kế hoạch tăng vốn gặp trắc trở
Nợ xấu gia tăng là nguyên nhân khiến cổ phiếu BID có đợt suy giảm mạnh thời điểm cuối tháng 6, khi giảm từ mức 50.000 đồng/cổ phiếu, xuống dưới mốc 44.000 đồng/cổ phiếu. BID sau có đợt hồi phục và hiện đang giao dịch ở mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu, nhưng ở mức giá này nhiều công ty chứng khoán hạ khuyến nghị mua vào.
Theo phân tích của một công ty chứng khoán, BID đang thiếu đi câu chuyện đầu tư trong ngắn hạn, cũng như như kế hoạch tăng vốn hay phát hành thêm. Bởi giá phát hành cũng sẽ thường được sử dụng làm giá tham khảo cho nhóm nhà đầu tư giao dịch thường xuyên. Trên thực tế, kế hoạch phát hành thêm đang trở thành rủi ro đối với cổ phiếu BID, do sự bất định về triển vọng tăng trưởng của NH trong ngắn và trung hạn.
BIDV đặt mục tiêu giảm sở hữu nhà nước từ 81% xuống còn khoảng 65% đến hết năm 2025, thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này dường như khó hoàn thành, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền liên tục rút khỏi thị trường chứng khoán do các lo ngại suy thoái. Thêm vào đó, các thủ tục liên quan đến việc phát hành thêm cũng mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là với NH lớn, có vốn sở hữu nhà nước như BIDV.
Trước đó, ĐHĐCĐ của BIDV thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2024 thêm 13.619 tỷ đồng (tăng 23,9%), từ 2 nguồn: chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với 11.970 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư thông qua chào bán riêng lẻ với tỷ lệ 2,89%, tương đương 1.648 tỷ đồng.
Số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo giới phân tích, xét trên về mặt định giá thì BID đang được định giá tương đối cao so với nhóm NH cổ phần tư nhân. Với nhóm Big 4, BID chỉ thấp hơn so với mã VCB của Vietcombank.