Thế mạnh có sẵn
ACV là Công ty TNHH MTV có vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. ACV được thành lập bằng việc sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam vào năm 2012. Đến năm 2015, ACV phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết tại UPCoM năm 2016.
ACV là doanh nghiệp có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước, như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh…
ACV hiện trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc và Cần Thơ.
Với đặc thù này, ACV gần như không có đối thủ cạnh tranh, nhưng rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp này đối mặt chính là các yếu tố khách quan. Đơn cử là đại dịch Covid năm 2020-2021, với quyết định giãn cách xã hội và lệnh hạn chế bay, khiến cho toàn bộ đường bay quốc tế và nhiều đường bay nội địa phải đóng cửa. Khi đó, ngành hàng không gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề, sau nhiều năm liên tục đạt mức tăng ấn tượng.
Đơn cử năm 2021, ACV ghi nhận tổng doanh thu đạt 7.098 tỷ đồng, giảm 30,51%. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, làm giảm mạnh sản lượng vận chuyển quốc tế thông qua toàn mạng cảng giảm 99%, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV.
Cụ thể, tất cả các nhóm doanh thu chính đều không đạt so với dự kiến và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, như doanh thu dịch vụ hàng không giảm 36%, doanh thu phi hàng không giảm 43%, doanh thu bán hàng giảm 62%.
Sau khi đại dịch đi qua, ACV bứt phá mạnh mẽ trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh thu tiếp tục đà phục hồi so với cùng kỳ cùng với sự phục hồi của lượng hành khách quốc tế, vốn là chủ đề chính của toàn ngành trong giai đoạn 2023-2024.
Cụ thể, tổng lượng hành khách qua cảng của ACV đạt 26,8 triệu hành khách (giảm 8,3%), chủ yếu là do lượng hành khách nội địa giảm 22% do thiếu máy bay; trong khi lượng hành khách quốc tế tăng 30,3%, đạt 10 triệu khách. Theo thống kê, lượng hành khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024 đạt 20 triệu khách, tương đương với mức trước Covid-19.
Một yếu tố tích cực nữa là hiện khách du lịch đến từ Trung Quốc hiện chỉ đạt khoảng 83% mức trước Covid-19, do đó vẫn còn dư địa tăng trưởng của ACV còn rất lớn.
Niềm vui chóng qua
Tuy nhiên, sự lạc quan của cổ đông ACV đã không thể kéo dài, khi JPY bất ngờ tăng giá mạnh so với USD cũng như VNĐ, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đột ngột tăng lãi suất.
Cụ thể, JPY đã tăng 9,5% từ mức đáy so với VNĐ lên 172 VNĐ/JPY, và đưa tỷ giá JPY/VNĐ trở lại mức đầu năm 2024. Lý do khiến cổ đông lo lắng khi JPY tăng giá, là bởi ACV đang có khoản vay bằng đồng JPY khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ước tính, khi JPY tăng giá 1% so với VNĐ, sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá 110 tỷ đồng. Do đó, nếu tỷ giá JPY/VNĐ hiện tại được giữ nguyên cho đến cuối năm nay, ACV sẽ phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024, và mất hết khoản lãi tỷ giá từ đầu năm.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý II-2024, ACV ghi nhận khoản lãi tỷ giá là 434 tỷ đồng nhờ JPY mất giá mạnh trong kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận khoản lãi tỷ giá 517 tỷ đồng. Lãi tỷ giá đã đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của ACV trong nửa đầu năm 2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 7.600 tỷ đồng (tăng 45%).
Năm 2024, ACV đặt kế hoạch kỷ lục với doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, ACV đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận.
Ngoài rủi ro tỷ giá, một điểm cần lưu ý nữa thu nhập lãi của ACV bắt đầu đi xuống, từ hơn 400 tỷ đồng trong các quý trước xuống chỉ còn hơn 200 tỷ đồng trong quý II vừa qua. Nguyên nhân là do ACV đang đẩy nhanh đầu tư vào các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành (100.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD) và Nhà ga số 3 Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (11.000 tỷ đồng, tương đương 440 triệu USD).
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của ACV ở mức 13.780 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ xấu của ACV tăng mạnh 45% so với đầu năm lên 8.256 tỷ đồng và tăng 9% so với quý I. Do vậy, ACV phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng cho số nợ xấu trên.
Mới đây, tại hội thảo về hàng không - du lịch, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết doanh nghiệp vẫn phải bù lỗ chi phí hoạt động cho 11 cảng hàng không, chỉ có 6 cảng hàng không kinh doanh có hiệu quả (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Liên Khương) ,và 4 cảng hàng không không phải bù lỗ (Buôn Mê Thuột, Cát Bi, Côn Đảo, Thọ Xuân).
Việc JPY tăng giá mạnh kéo theo khoản lỗ tỷ giá, cùng với các khoản phải thu gia tăng, đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu ACV. Trong các phiên giao dịch từ ngày 5 đến 7-8, ACV bị bán tháo và giảm mạnh từ 114.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 101.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 12%.
Nếu so với mức đỉnh 135.000 đồng/cổ phiếu ngày 21-6 thì ACV bị “bốc hơi” 25% vốn hóa. Theo giới phân tích, trước thời điểm JPY tăng giá, ACV ghi nhận mức lãi khủng nhưng cổ đông không được nhận cổ tức năm 2023 vì vướng luật.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng là rủi ro khách quan mà ACV đang đối mặt. Bởi đây là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu đi lại không thiết yếu của du lịch nước ngoài thấp hơn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng hành khách quốc tế và lợi nhuận của ACV.