“Cứu cánh” FPT Long Châu
Được thành lập từ năm 2012, FRT là công ty liên kết của CTCP Tập đoàn FPT (mã FPT trên HoSE), nhằm sở hữu chuỗi bán lẻ lớn là FPT Shop thuộc tập đoàn FPT, chuyên kinh doanh các sản phẩm điện thoại, laptop… với thị phần khoảng 15-20%, đứng thứ 2 trong ngành bán lẻ cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước sự bão hòa của thị trường bán lẻ công nghệ, FPT Shop đã có dấu hiệu “hụt hơi” khi liên tục báo lỗ.
Theo giới phân tích, FRT đang có dấu hiệu “buông” chuỗi FPT Shop, khiến cho quá trình phục hồi chậm hơn, đặc biệt là khi vấp phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ. Đây là nguyên nhân khiến chuỗi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu âm và tiếp tục báo lỗ trong quý I vừa qua.
Năm 2017, FRT quyết định mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT, khi đó mới chỉ có 4 cửa hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm đến cuối năm 2023, FPT Long Châu đã cán mốc hơn 1.600 nhà thuốc, trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm có số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng, trong bối cảnh khó khăn chung của bán lẻ, chuỗi dược phẩm cũng là điểm sáng và trở thành động lực tăng trưởng của FRT. Năm 2023, chuỗi mang về 15.888 tỷ đồng doanh thu (tăng 66%), các cửa hàng ghi nhận mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức 1,1 tỷ đồng.
Kết thúc quý I vừa qua, FRT ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.042 tỷ đồng (tăng 17%). Đây là lần đầu tiên FRT ghi nhận lãi sau 3 quý thua lỗ. Đóng góp chính vào kết quả này là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, với doanh thu 5.534 tỷ đồng, tương ứng 61%; doanh thu trên cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/nhà thuốc/tháng.
Cũng trong quý I, FPT Long Châu tiếp tục mở mới 90 cửa hàng trên mục tiêu mở mới 400 cửa hàng cả năm 2024. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế của chuỗi FPT Long Châu quý I ước đạt 110 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Ngược lại, chuỗi FPT Shop tiếp tục ghi nhận những tín hiệu kém tích cực, doanh thu thuần đạt 3.583 tỷ đồng (giảm 20,6%), và ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp tăng trưởng doanh thu âm. Dù tiếp tục phải đóng cửa 12 cửa hàng tối ưu chi phí, nhưng lợi nhuận sau thuế của của FPT Shop vẫn ghi nhận mức lỗ hơn 50 tỷ đồng.
“Át chủ bài”
Từ những con số nêu trên, có thể thấy FPT Long Châu đang là “át chủ bài” của FRT hiện nay. Thực tế, FRT chủ động đang thu hẹp FPT Shop để dồn toàn lực phát triển FPT Long Châu. Điều này được thể hiện qua tham vọng mở 400 cửa hàng trong năm 2024.
Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FRT, cho biết sẽ phát triển chuỗi FPT Long Châu hướng tới chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng, bắt đầu bằng việc mở rộng sang chuỗi trung tâm tiêm chủng vaccine. Để hoàn thiện hệ sinh thái này, Ban lãnh đạo FRT cho biết sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 10% cổ phần để bổ sung nguồn vốn, bên cạnh đó cũng tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác cùng phát triển.
Được biết, thị trường tiêm chủng vẫn được coi là khá mới mẻ tại Việt Nam, bởi thị trường này tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Tuy nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, các trung tâm tiêm chủng tư nhân như VNVC, Vinmec, Nhi 315 nổi lên, cho thấy tiềm năng của ngành này.
Mặc dù chưa có ước tính chính xác về quy mô thị trường, nhưng theo đại diện FRT, tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam hiện vào khoảng 4% dân số, trong khi nhiều nước khác trong khu vực là 15-30% dân số.
Và loạt sự cố nghiêm trọng
Hướng đi mới này của FRT có vẻ đang vận hành khá suôn sẻ thì hàng loạt sự cố đã xảy ra. Mới đây, Trung tâm Y tế quận Hà Đông (thuộc Sở Y tế TP Hà Nội), có báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng đối với 18 cơ sở trên địa bàn. Trong đó có 2 cơ sở của FPT Long Châu bị đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều tồn tại cần khắc phục.
Tương tự, Sở Y tế TPHCM cũng có báo cáo thanh kiểm tra cơ sở tiêm chủng FPT Long Châu (quận Tân Phú). Theo đó, Sở Y tế TPHCM phát hiện tại cơ sở tiêm chủng này không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất phòng tiêm, điều kiện trang thiết bị phòng xử trí phản ứng sau tiêm; quy trình xử trí phản ứng sau tiêm, công tác bảo quản vaccine đều không đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Tình trạng tương tự diễn ra tại cơ sở tiêm chủng FPT Long Châu tại Bình Dương. Theo Sở Y tế Bình Dương, quy trình tiêm chủng vaccine an toàn tại cơ sở FPT Long Châu không đảm bảo, chưa có phòng theo dõi phản ứng sau tiêm, đặc biệt chưa có phòng, kho dự trữ, bảo quản vaccine theo chuẩn GSP.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Phú Yên có thông báo, rút tên cơ sở tiêm chủng FPT Long Châu (TP Tuy Hòa) ra khỏi danh sách cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trong tháng 5. Lý do vì cơ sở tiêm chủng này không đảm bảo một trong các điều kiện của cơ sở tiêm chủng cố định. Ngoài bị phạt tiền, cơ sở tiêm chủng này còn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động trong vòng 1 tháng.
Nghiêm trọng hơn hết là 2 trường hợp sốc phản vệ được ghi nhận sau khi tiêm vaccine tại FPT Long Châu ở TPHCM. Dù cả 2 trường hợp đã ổn định và xuất viện, nhưng sự cố này khiến cho nhiều cổ đông FRT hết sức lo lắng khi nhìn lại lộ trình phát triển với tốc độ tăng trưởng quá nóng.
Nhiều người cho rằng, Ban lãnh đạo FRT đang quá tham vọng khi đặt mục tiêu lớn cho FPT Long Châu. Bởi đây là lĩnh vực khác biệt hoàn toàn với lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ cốt lõi, đòi hỏi không chỉ công nghệ mà còn là năng lực chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực y khoa.
Nếu không quản trị rủi ro tốt, FRT khó tránh khỏi sự cố trong tương lai, từ đó tác động xấu đến giá cổ phiếu.
Những sự cố gần đây là một phần nguyên nhân khiến FRT liên tục bị bán ra và giảm giá mạnh. Nếu tính từ mốc ngày 9-7, khi thông tin 2 người tiêm vaccine bị sốc phản vệ tại FPT Long Châu được công bố, FRT đã có 11/14 phiên giảm, từ 183.000 đồng xuống còn 169.000 đồng.