Ngoài những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về ATLĐ tại các công trình, còn có nguyên nhân do chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu cố tình phớt lờ các quy định về ATLĐ.
Liên tục xảy ra tai nạn
Công trình nơi xảy ra sự việc khiến 3 công nhân rơi từ tầng cao xuống đất là dự án “Siêu thị, khu vui chơi giải trí, chiếu phim”, do CTCP đầu tư Thương mại Dịch vụ Khang Gia Land làm chủ đầu tư. Khang Gia Land thuê Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt là đơn vị thầu thi công. Tuy nhiên, Thuận Việt lại ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Toàn Hưng (phường Hiệp Bình Chánh) và một nhóm công nhân tự do để thi công.
Công trình nơi xảy ra sự việc khiến 3 công nhân rơi từ tầng cao xuống đất là dự án “Siêu thị, khu vui chơi giải trí, chiếu phim”, do CTCP đầu tư Thương mại Dịch vụ Khang Gia Land làm chủ đầu tư. Khang Gia Land thuê Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt là đơn vị thầu thi công. Tuy nhiên, Thuận Việt lại ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Toàn Hưng (phường Hiệp Bình Chánh) và một nhóm công nhân tự do để thi công.
Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 24-9, nhiều công nhân đang làm việc trong công trình xây dựng Trung tâm thương mại Giga Mall nghe tiếng động mạnh, đến kiểm tra phát hiện 3 công nhân nằm bất động dưới đất nên hô hoán và báo cơ quan công an. Nhận tin báo, lực lượng chức năng địa phương có mặt bảo vệ và phong tỏa hiện trường, đồng thời đưa 3 nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
3 nạn nhân được xác định là: Phan Khắc Tiến (32 tuổi), Phan Minh Tới (29 tuổi), Nguyễn Minh Duy (31 tuổi, cùng quê Bình Định). Ông Nguyễn Đình Trương, đại diện nhà thầu thi công cho biết, nhận định ban đầu do trượt chân theo dây chuyền, một người bị trượt chân kéo theo 2 người còn lại.
Trước đó, vụ TNLĐ xảy ra tại công trình thi công khu Trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes trên đường Hương lộ 2 (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM) nghiêm trọng hơn. Nạn nhân là ông Hà Văn Khoa (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và bà Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi, quê Trà Vinh).
Theo đó, khoảng 14 giờ 10 phút chiều ngày 11-9-2018, khi ông Khoa và bà Quắng đang vận chuyển vật liệu tại tầng 10 công trình nói trên thì bất ngờ, giàn giáo đổ sập khiến 2 người rơi xuống đất. Phát hiện vụ việc, nhiều người đã nhanh chóng đưa 2 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng họ đã tử vong sau đó.
TTTM Giga Mall, nơi xảy ra vụ TNLĐ làm 3 công nhân bị thương nặng. Ảnh: Đức Trung
Cũng trong tháng 9, hàng chục người lưu thông trên đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) một phen hoảng hốt tháo chạy vì sự cố gãy cần cẩu. Khoảng 11 giờ trưa 19-9, dòng người di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng (khu vực phường 3, quận Gò Vấp), hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi cầu Bình Lợi. Khi ngang qua công trình ở địa chỉ số 162 Phạm Văn Đồng của Công ty Ô tô Gia Định thì phát hiện tiếng va đập mạnh. Sau đó, một cần cẩu dài hơn 20m đổ ập xuống đường... May mắn, thời điểm sập cần cẩu, không có tàu hỏa chạy qua, nhiều người đi đường kịp thời phát hiện sự cố và tháo chạy, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Quy trình ngược ATLĐ
Theo Cục ATLĐ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), TPHCM nằm trong danh sách 10 địa phương đứng đầu cả nước vì có nhiều người chết do TNLĐ. Trong năm 2017, TP xảy ra 1.492 vụ TNLĐ làm 123 người chết, 306 người bị thương nặng. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn TP xảy ra 15 vụ tai nạn làm chết người.
Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết, TP có hơn 400.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với hơn 4,5 triệu lao động đang làm việc. Quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nên TP cũng “nhức đầu” với TNLĐ. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng; các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân...
Theo nguyên tắc, để tổng thể một dự án “chuẩn”, việc tổ chức biện pháp thi công bao giờ cũng quan tâm đến đảm bảo chất lượng công trình, chất lượng công nhân, chất lượng vật liệu và quy trình thi công. Vì lẽ đó, tại công trường xây dựng buộc phải hình thành bộ phận ATLĐ để kiểm định, giám sát trang thiết bị kỹ thuật, đồ bảo hộ lao động công nhân, kỹ thuật an toàn thi công.
Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng ở các đô thị lớn như TPHCM vận hành theo chu trình ngược: Xảy ra sự cố mới tức tốc kiểm định thiết bị lẫn trách nhiệm giám sát. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM, đánh giá TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ TNLĐ chết người (67%), chủ yếu là do điện giật, ngã cao.
Nguyên nhân chính là các nhà thầu chính đã khoán lại cho các đơn vị nhỏ, lẻ làm theo kinh nghiệm, không xây dựng phương án thi công và không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; công nhân không được trang bị đầy đủ dây an toàn, hoặc được trang bị nhưng không sử dụng, dù làm việc ở nơi cheo leo.
Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết sẽ tiếp tục thanh tra đối với các doanh nghiệp xảy ra TNLĐ để ngăn ngừa TNLĐ tương tự xảy ra hoặc tái diễn. Các doanh nghiệp vi phạm ATLĐ sẽ bị xử lý nghiêm; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra nếu xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Các quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, nhất là lĩnh vực thi công xây dựng. |