Nguyên tắc thực hiện thí điểm cơ chế này, Bộ Tài chính cho biết là nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về phạm vi thực hiện, dự thảo nghị quyết quy định thực hiện thí điểm bảo lãnh thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thuộc các trường hợp sau: Hàng xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp đủ thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng; Hàng nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng; Hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam...
Dự thảo cũng nêu rõ về thời hạn bảo lãnh thông quan. Theo đó, đối với hàng xuất nhập khẩu phải nộp đủ thuế trước khi thông quan thì: Thời hạn bảo lãnh thông quan tối đa là 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký tờ khai. Quá thời hạn bảo lãnh mà người được bảo lãnh chưa nộp đủ tiền thuế thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp nếu có thay cho người được bảo lãnh.
Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, nhưng tại thời điểm thông quan, người khai hải quan chưa nộp đủ kết quả kiểm tra hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, thời gian bảo lãnh là 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Về số tiền bảo lãnh thông quan, dự thảo nêu rõ: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thì số tiền được bảo lãnh tương ứng với 110% số tiền thuế các loại mà người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan.
Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và các khoản phải nộp đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan hải quan thay cho người được bảo lãnh khi người được bảo lãnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan.