Hỏi: - Cha mẹ tôi có 8 thửa đất, trên đó có căn nhà mẹ tôi đang ở. Năm 2002, để tạo điều kiện giao dịch làm ăn, cha tôi đã cho cháu nội là N.V.D đứng tên trên giấy tờ nhà đất này. Quá trình làm ăn đã mua được 2 chiếc sà lan, một chiếc 2 tỷ đồng, chiếc kia 7 tỷ đồng. Thế nhưng, N.V.D đã thế chấp toàn bộ nhà đất và 2 chiếc sà lan để vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng. Năm 2009, N.V.D chết, việc làm ăn chuyển giao cho vợ D. Tại bản án phúc thẩm số 121 ngày 25-5-2012 của TAND tỉnh Long An thì 8 thửa đất còn đang tranh chấp. Tuy nhiên, mới đây Thi hành án huyện Cần Đước mời tôi lên để định giá nhà đất, đòi kê biên, phát mãi. Xin hỏi, thi hành án làm như vậy là đúng hay sai? Vì sao không tiến hành kê biên, phát mãi chiếc sà lan 7 tỷ đồng mà bên bị thi hành án đang sử dụng, khai thác?
Mai Văn Kiếm (Ấp 2, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Trả lời: - Điều 90 Luật Thi hành án dân sự 2008, quy định: “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”.
Theo quy định trên thì trị giá 8 thửa đất (trong đó có căn nhà) chỉ trên 1 tỷ đồng, không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng và thi hành án, vì vậy Chấp hành viên không được kê biên 8 thửa đất này. Thi hành án huyện Cần Đước cần kê biên, phát mãi sà lan trị giá 7 tỷ đồng, vì giá trị tài sản này thừa sức để thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án. Hơn nữa, sà lan này hiện do bên bị thi hành án sử dụng, khai thác. Còn trên 8 thửa đất (có căn nhà) lại có người được thi hành án đang ở và sử dụng. Vì vậy, Thi hành án dân sự huyện Cần Đước đã sai khi đòi kê biên, để phát mãi quyền sử dụng đất của 8 thửa đất (có căn nhà). Thi hành án Cần Đước phải nhanh chóng thực hiện kê biên, phát mãi chiếc sà lan trị giá 7 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án.