Tốc độ phát triển như vũ bão của mạng lưới bán lẻ đã đẩy các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài bước vào cuộc chiến “mạnh được, yếu thua”, trong đó, yếu tố giá cho thuê mặt bằng tăng hơn 150% được xem là có tính chất quyết định.
Trăm hoa đua nở
Đường D2 (phường 25, quận Bình Thạnh) dài khoảng 800m nhưng có hơn 20 cửa hàng của các DN có yếu tố đầu tư nước ngoài (FDI) xuất hiện. Đầu tiên là cửa hàng Medicare, Guardian, Ministop, Taxas Chicken, Popeyes, Tour Les Jours, tiếp theo sau là BoPaPop, Royal Tea, The Pizza Company… lần lượt đặt các địa điểm kinh doanh tại đây. Nói theo cách của một chuyên gia, tại TPHCM chỉ cần đến một số con đường như D2, Phan Xích Long (Phú Nhuận), Lữ Gia (quận 11), Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng (quận 1)… sẽ hình dung được sự mở cửa mạnh mẽ của ngành bán lẻ nói riêng và mức độ hội nhập kinh tế của Việt Nam nói chung.
Bước chân vào các TTTM như Parkson, Vincom, Diamond Plaza, Pearl Plaza…, người ta dễ nhận thấy những thương hiệu ngoại đã phủ kín các gian hàng. Đặc biệt, một số loại hình kinh doanh mang tính khác biệt như cửa hàng bán sản phẩm đồng giá của Daiso, Komonoda, Minigood… cũng chọn những địa điểm vàng để mở điểm bán. Điểm chung của các chuỗi cửa hàng này là hàng hóa phong phú và giá rẻ, sản phẩm hướng đến sự tiện dụng, bao bì bắt mắt, phục vụ đối tượng khách hàng là giới trẻ, sinh viên, học sinh và các bà nội trợ.
Trong lĩnh vực thời trang và may mặc, cơn sốt Zara vừa tạm lắng xuống thì người tiêu dùng lại thêm nhiều cơ hội để lựa chọn các sản phẩm của H&M. Cùng lúc đó, Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti - 3 thương hiệu thời trang cùng nhà với Zara với những phân khúc, thị hiếu khác nhau nhưng đầy tiềm năng - cũng đồng loạt khai trương từ ngày 1-9. Bên cạnh đó, thêm một thương hiệu “anh em” với GAP là OldNavy đã tạo ra nhiều mảng màu trong lĩnh vực thời trang.
Lý giải hiện tượng các đợt “dậy sóng” về sức mua liên tiếp diễn ra trong lĩnh vực thời trang, nhiều ý kiến cho rằng nguồn cung nhỏ giọt từ hàng xách tay trong những năm qua đã không đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân TP. Do vậy, việc mở các điểm bán mới tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang toàn cầu giá bình dân đã tạo sức hút đặc biệt đối với người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê không chính thức, cho tới nay đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường, với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Các thương hiệu này tham gia thị trường Việt thông qua nhiều hình thức, từ việc mở chi nhánh như Zara, H&M hay thông qua các nhà phân phối tại Việt Nam. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Maison, hiện đã đưa 21 nhãn hàng thời trang vào Việt Nam, trong số đó có nhiều nhãn hàng cao cấp như Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co…
Có thể thấy, chiến lược phát triển thị trường tại Việt Nam của các nhãn hàng ngoại như Zara và H&M đã định vị chuyên về thời trang nhanh, với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý. Các ngành hàng khác như giải trí, ẩm thực (F&B), giáo dục cũng được các nhà đầu tư nghiên cứu rất kỹ thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng, để đưa ra các mô hình (concept) kinh doanh phù hợp.
Khi thương trường là chiến trường
Không thể phủ nhận, các thương hiệu ngoại cấp tập đổ vào TPHCM đã tạo nên một bộ mặt, một diện mạo khác hẳn của ngành thương mại. Theo đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn trong mua sắm và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đi cùng với nó là một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại, giữa sản phẩm trong nước và nước ngoài. Cứ một cửa hàng nước ngoài vào Việt Nam, cũng đồng nghĩa một điểm bán của DN trong nước bị co lại.
Tại đường D2, trước đây là một tiệm bán phở thì nay đã thay thế bằng cửa hàng của Tour Les Jours; quán cà phê Trung Nguyên nay đã thay bằng cửa hàng tiện lợi B’mart… Nếu các điểm bán của người Việt muốn tồn tại, họ phải dạt vào các con đường nhỏ, bằng không tiền trả mặt bằng sẽ “nuốt” hết doanh thu hàng tháng.
Chủ của một trong những cửa hàng tạp hóa (đồng thời cũng là chủ nhà) còn sót lại trên đường D2 cho biết, nếu gia đình chị cho thuê mặt bằng thì mỗi tháng sẽ thu được một khoản tiền rất lớn, cao hơn nhiều so với đồng lời bán hàng, nhưng vì muốn tạo việc làm cho con gái nên chị chưa tính đến chuyện cho thuê.
Còn theo lời tổng giám đốc một công ty hàng đầu về cung cấp thực phẩm tươi sống và chế biến tại TPHCM, đơn vị này đã phải cắt giảm từ hơn 120 cửa hàng giới thiệu sản phẩm xuống còn 40 cửa hàng. “Với đà này, công ty sẽ còn phải tiếp tục giảm điểm bán vì không thể chịu xuể giá thuê mặt bằng tăng vùn vụt sau mỗi lần gia hạn. Trong thời buổi hiện nay, chỉ người có nhà thuê là được lợi nhiều nhất từ cuộc chiến giành điểm bán”, vị này nói.
Tương tự, trong lĩnh vực thời trang, nhiều năm trước, người tiêu dùng chứng kiến sự thống lĩnh thị trường của các thương hiệu thời trang nội địa như Việt Tiến của Công ty cổ phần May Việt Tiến, Foci của Công ty Thời trang Nguyên Tâm, Blue Exchange của Công ty Thời trang Xanh Cơ Bản, PT2000 của Công ty TNHH May Phạm Tường 2000 hay Ninomaxx của Công ty Thời trang Việt...
Nhưng đến nay, các điểm bán của họ cũng đang dần bị thu hẹp. Một số DN được xem là có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10, cũng chỉ tập trung ở phân khúc hàng công sở trung bình dành cho nam giới. Thời trang dành cho phái nữ ở khu vực thành thị - mảnh đất màu mỡ - đã rơi vào tay các thương hiệu toàn cầu hoặc là hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Công.
Trong khi DN trong nước đang loay hoay tìm lối đi, nguồn vốn, thì DN nước ngoài lại nhắm thẳng tới thị phần, thông qua việc đầu tư bài bản cho nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, sức mua thị trường trong một tầm nhìn dài hạn. Còn với các DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể thì dường như không có sự ứng phó trước việc đổ bộ của các cửa hàng, điểm bán liên quan thương hiệu ngoại. Thực trạng này rất đáng lo ngại trong bối cảnh “nước đã đến chân” nhưng nhiều DN vẫn chưa thể nhảy!
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, miếng bánh thị phần bán lẻ, nhất là kênh hiện đại, các DN FDI đã nắm tới 53% doanh thu. Dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), đến năm 2020, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh khoảng 68,3% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.