DN nội lên kế hoạch mở rộng
Bắt đầu từ nửa cuối năm 2017, khi dạo quanh các quận như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12… đã thấy những cửa hàng Bách Hóa xanh mọc lên san sát. Không chỉ chọn vị trí cửa hàng ở khu vực mặt tiền đường lớn, nhiều cửa hàng Bách Hóa xanh còn có mặt ở trong các con hẻm, các khu dân cư đông đúc với diện tích cửa hàng không quá lớn.
Người tiêu dùng cũng bắt đầu quen dần với thương hiệu mới này, lượng khách mua hàng cũng khá đông. Theo chiến lược của CTCP Thế giới di động, trong năm 2018 sẽ không mở thêm cửa hàng điện thoại mà dồn lực mở cửa hàng Bách Hóa xanh.
Trong chiến lược của ngành Công Thương TP trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng sẽ có chính sách hỗ trợ DN trong nước phát triển để đủ sức cạnh tranh với các hệ thống nước ngoài. Mục tiêu đến 2025-2030, hình thành được 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. |
Xét về tốc độ mở cửa hàng Thế giới di động đã chứng minh qua chuỗi cửa hàng điện thoại, và với chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài về mở chuỗi bán lẻ thực phẩm, có lẽ kế hoạch sẽ không quá khó.
Một nhà bán lẻ khác cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý trong chiến lược mở rộng điểm bán trong năm 2018 chính là Satra. Theo kế hoạch sẽ có 60 cửa hàng Satrafoods được mở trong năm nay, nhưng quan trọng hơn nhà bán lẻ này sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Satra Củ Chi vào quý III-2018 và tiến hành khởi công xây dựng dự án Satra quận 6.
Cũng trong kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ đặt mục tiêu đạt 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng năm 2020. Nếu xét về tốc độ mở chuỗi thì VinMart và VinMart+ cũng là đối thủ đáng gờm. Tính đến cuối năm 2017, hệ thống VinMart và VinMart+ đã có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành trên cả nước.
Những năm gần đây, khi nhắc đến thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều người tiêu dùng thường nghĩ đến việc các chuỗi nước ngoài đang thâu tóm và thống trị. Tuy nhiên, tính riêng tại TPHCM, khối nội vẫn đang duy trì được vị trí của mình. Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, tính đến cuối năm 2017, các DN trong nước vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt 79% và 70%.
Ngược lại, các DN nước ngoài dù vẫn đang chiếm tỷ trọng cao hơn tại loại hình trung tâm thương mại (53,66%). Tuy nhiên, trong thời gian tới khi Satra sẽ đưa vào hoạt động trung tâm thương mại tại quận 6 và huyện Củ Chi, tỷ trọng này sẽ cân bằng giữa hệ thống trong nước và có yếu tố nước ngoài.
Thế Giới Di Động đã thức thời chuyển qua kinh doanh bán lẻ.
Những ông lớn đã im tiếng
Ngày 19-1 tới đây, cửa hàng tiện lợi GS25 đầu tiên sẽ được khai trương tại quận 1, TPHCM. Chuỗi cửa hàng này được mở thông qua liên doanh giữa GS Retail (Hàn Quốc) và Tập đoàn Sơn Kim (Việt Nam). Phía liên doanh này cho biết trong năm 2018, GS25 dự kiến mở khoảng 50 cửa hàng, tập trung ở TPHCM.
Đến năm 2020 sẽ bắt đầu tiến ra thị trường Hà Nội. Mục tiêu sau 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam, GS25 sẽ có hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc. Đặc biệt, GS25 đặt tham vọng sau 3 năm sẽ tăng tốc đầu tư và trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi số 1 tại Việt Nam, điều mà thương hiệu này đã làm được với thị trường Hàn Quốc. Thực ra sự có mặt của GS25 đã được báo chí nhắc tới từ khoảng 4 tháng trước khi liên doanh bắt đầu hình thành. Song khác với sự rầm rộ của chuỗi cửa hàng 7-eleven trước đó, GS25 có vẻ khá âm thầm trong chiến lược xuất hiện của mình.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi nào cũng đặt tham vọng mở nhiều, nhanh hệ thống để chiếm phần trong miếng bánh thị trường. Song ngay cả ông lớn như 7-eleven sau giai đoạn khai trương rầm rộ đến nay cũng khá im tiếng. Cũng chưa rõ kế hoạch của các ông lớn này sẽ ra sao, nhưng tại thị trường Việt Nam có thể thấy mô hình cửa hàng tiện lợi chưa thực sự mang lại hiệu quả dù người tiêu dùng Việt Nam phần nhiều là người trẻ.
Đa phần người tiêu dùng vẫn thích mô hình cửa hàng thực phẩm như Coopfood, Satrafood, Vinmart+ hay gần đây là Bách Hóa xanh vì các mặt hàng gần với nhu cầu và có giá thành hợp lý hơn các cửa hàng tiện lợi nước ngoài. Còn những cửa hàng tiện lợi ngoại chỉ nhỉnh hơn ở điểm phục vụ 24/24 cho người tiêu dùng.
Khi nhắc đến các nhà bán lẻ ngoại, ngoài việc đẩy nhanh mảng cửa hàng tiện lợi, mảng trung tâm thương mại chính là ưu thế lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thời gian gần đây, các nhà bán lẻ ngoại như AEON hay Lotte đang đẩy mạnh thêm một mảng rất tiềm năng nữa là thương mại điện tử, đây là mảng nhiều nhà bán lẻ nội như Saigon Coop, Satra chưa thực sự quan tâm.
Tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế về bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức hồi tháng 10-2017, những nội dung được quan tâm chính là chủ đề về công nghệ số, thương mại điện tử, xu thế tiêu dùng mới và hình thức mua sắm trực tuyến… Trong đó có những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, như giải pháp bán lẻ online trong thời gian thực. Điều này cho thấy các nhà bán lẻ nước ngoài nhanh nhạy nắm bắt đi theo kịp xu thế chung và đặt các nhà bán lẻ Việt Nam vào một cuộc cạnh tranh mới ở mảng bán lẻ online.