Thị trường bán lẻ: Tuột dốc không phanh

Việc Việt Nam lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012 do hãng tư vấn danh tiếng của Hoa Kỳ A.T.Keraney công bố đã gây không ít bất ngờ về sự tuột dốc không phanh của thị trường bán lẻ Việt Nam trên bảng xếp hạng này.

Còn nhớ, năm 2008 thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.

Tuy nhiên, đến năm 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam tuột xuống đứng thứ 6 về mức độ hấp dẫn và rơi xuống thứ 23 năm 2011. Và sang đến năm 2012, tức chỉ 4 năm sau ngày Việt Nam chiếm ngôi đầu, chúng ta đã nằm ngoài top 30.

Theo giới phân tích, nguyên nhân của sự tuột dốc này là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng quá cao và yêu cầu về “kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) khi các nhà bán lẻ quốc tế muốn mở thêm điểm bán lẻ thứ hai trở đi.

Theo quy định của Việt Nam khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ quốc tế có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên, nhưng từ điểm bán lẻ thứ hai, phải tuân thủ ENT. Tức nhà đầu tư nước ngoài muốn mở chuỗi siêu thị, điểm bán lẻ phải xin giấy phép riêng biệt cho mỗi siêu thị, Sở Công Thương các địa phương căn cứ vào rất nhiều tiêu chí để quyết định có cấp phép hay không.

Không ít dự án đầu tư của nhà phân phối nước ngoài không được duyệt cấp phép mở kinh doanh, bởi tại nhiều địa phương việc quy hoạch hệ thống mở điểm kinh doanh phân phối vẫn chưa rõ ràng. Đây được xem là một rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, giá thuê mặt bằng luôn ở mức cao cũng khiến nhà đầu tư cân nhắc.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã xấu đi từ vài năm nay do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, trong năm 2011 thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ tăng trưởng 5%, một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bảng xếp hạng của A.T.Keraney chỉ có tính chất tham khảo.

Bởi trong năm 2012 nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự có mặt chính thức của mình vào năm 2015, đầu năm 2012 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya đã ký hợp đồng thuê mặt bằng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TPHCM.

Cùng với đó là sự có mặt của Aeon Group với dự án đầu tiên sẽ khởi công vào tháng 9 tới (tổng vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD). Aeon tỏ rõ tham vọng bành trướng tại thị trường bán lẻ Việt Nam khi cho hay kế hoạch đến năm 2020 của tập đoàn này là phát triển hệ thống 20 trung tâm bán lẻ.

Cả 2 “người khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ nói trên đều có chung nhận định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam chính là ở tầng lớp thu nhập trung bình đang ngày một tăng cao.

Song dù phân tích như thế nào đi nữa, việc liên tục bị tuột hạng trong một bảng xếp hạng cũng là điều không vui vẻ. Đã đến lúc Việt Nam cần có những biện pháp tích cực để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các tin khác