Nguồn cung và lượng tiêu thụ đều giảm
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Công ty DKRA Việt Nam (một đơn vị tư vấn về bất động sản), cho biết, trong quý II-2021, thị trường căn hộ toàn TPHCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý I-2021. Trong đó, nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch Công ty DKRA Việt Nam (một đơn vị tư vấn về bất động sản), cho biết, trong quý II-2021, thị trường căn hộ toàn TPHCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý I-2021. Trong đó, nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%.
Nguồn cung sản phẩm mới tại TPHCM giảm, các DN phải tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh thành ngoài TPHCM, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… Theo dự báo từ DKRA Việt Nam, từ nay đến cuối năm, đa phần các phân khúc sẽ duy trì nguồn cung mới mức tương đương 6 tháng đầu năm 2021, riêng nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ. Trong đó, nguồn cung mới đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, đây là đợt dịch thứ 4 nên nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị về tâm lý lẫn tài chính cho các sản phẩm đã đầu tư. Nhưng, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp 2 - 3 tháng nữa, có thể một số nhà đầu tư bán giảm giá để cắt lỗ, nhất là sản phẩm có giá cao.
Ông Quang cho biết, hiện nay thị trường chứng khoán đang hưng phấn nên một số khách hàng có thể đổ từ chứng khoán sang bất động sản, dự kiến tháng 11, 12-2021 có thể xảy ra tình trạng sốt nhẹ ở phân khúc đất nền.
Theo nhiều chuyên gia, tại thời điểm này nếu có nguồn tài chính ổn định thì nên cân nhắc tìm mua các bất động sản có pháp lý rõ ràng, giá cạnh tranh. Lúc khó khăn, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận bán thấp hơn thị trường 50 - 100 triệu đồng/sản phẩm, thậm chí giảm sâu hơn để giải quyết bài toán tài chính của mình. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể kéo dài nên việc mua vào cần thận trọng, không mua theo phong trào.
Hai kịch bản cho thị trường
Qua ghi nhận tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TPHCM, việc giao dịch hay tìm hiểu dự án rất hạn chế, hầu như cả người bán và người mua đều cảnh giác với dịch Covid-19 nên các hoạt động tiếp xúc trực tiếp đều bị hạn chế.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng giá BĐS bị đẩy lên rất cao, hình thành mặt bằng giá mới.
Ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch Hoàng Anh Holding, cho biết công ty đang chuẩn bị triển khai một dự án căn hộ tại Bình Dương, pháp lý dự án đã xong nhưng công tác bán hàng phải dừng lại, chờ dịch qua đi.
“Chúng tôi phải liên kết với các sàn bạn, tổ chức huấn luyện bán hàng, giới thiệu và đưa khách đi xem dự án… Nhưng những hoạt động này hiện nay đều không khả thi”, ông Thanh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Vạn Phúc Land, cho biết 6 tháng đầu năm có thể đánh giá ngắn gọn để dễ hình dung diễn biến thị trường: lạc quan - thận trọng - chờ đợi. Điều đó có nghĩa là chưa kịp trở tay thì dịch bệnh đã ập tới và đành chờ cơ hội ở 6 tháng cuối năm. Và câu trả lời không nằm ở yếu tố thị trường quyết định, mà hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh ở mức nào.
Bà Hương phân tích, có 2 kịch bản có khả năng xảy ra. Kịch bản tích cực là thị trường phục hồi 1 phần giữa quý III, khởi sắc trong quý IV, với giả thiết ít nhất 50% người dân được tiêm vaccine Covid-19 và các DN tiêm đủ vaccine Covid-19 cho nhân viên.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý III-2021 để dập dịch và DN không đủ vaccine để tiêm cho nhân viên. Như thế, thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng không cao do DN đuối sức.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường, đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ DN, gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... để từ đó, thị trường bất động sản xoay theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.