Dự án tỉnh nhắm khách hàng TP
Từ đầu năm đến nay các sự kiện giới thiệu dự án mới ra thị trường tại TPHCM rất ít. Cuối tháng 5, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng tổ chức sự kiện trải nghiệm và chia sẻ thông tin về dự án The Antonia, dự án mới nhất được chủ đầu tư này đưa ra thị trường. Mới đây, Tập đoàn Đại Phúc giới thiệu phân khu Sunlake Shop Villas thuộc Khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức) gồm 108 căn shop villas. Đây là 2 trong số rất hiếm các sản phẩm mới về BĐS trên địa bàn TP được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những dự án thành phần của dự án lớn chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước đó rất lâu, nay mới bung hàng.
Trong khi đó, hầu hết sự kiện còn lại là giới thiệu dự án được đầu tư tại các tỉnh. Tập đoàn PPC An Thịnh, chủ đầu tư dự án Wyndham Soleil Danang vừa tổ chức ký kết với 7 đại lý chiến lược phân phối dự án này tại miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong) cũng vừa tổ chức ký kết hợp tác phát triển dự án khu căn hộ The Emerald Golf View (Bình Dương), với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, cao 40 tầng tại Bình Dương - dự án cao nhất Bình Dương hiện nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Riêng Tập đoàn Novaland cũng đang giới thiệu dự án Khu đô thị sinh thái Aqua City thuộc xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích hơn 100ha, thừa hưởng các yếu tố sinh thái tự nhiên, được bao quanh bởi hệ thống sông xanh, có đủ điều kiện để quy hoạch khu đô thị sinh thái chuẩn mực. Một doanh nghiệp đình đám khác tại TPHCM là CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt cũng vừa giới thiệu 2 dự án ở tỉnh; gồm căn hộ Astral City Bình Dương tại Quốc lộ 13, TP Dĩ An, quy mô 3,7ha với 8 block chung cư, 5.200 căn hộ, tổng mức đầu tư 5.800 tỷ đồng; đất nền Kỳ Co Gateway Quy Nhơn (Bình Định) với tổng mức đầu tư hơn 10.683 tỷ đồng.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asian Newtimes (có trụ sở tại TPHCM), đơn vị hợp tác phát triển dự án Kỳ Co Gateway, cho biết trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp tại TPHCM tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương khác là cần thiết. Bởi quỹ đất tại TPHCM hầu như không còn, thủ tục thực hiện dự án thời gian gần đây khó khăn hơn. So với TP, nhiều địa phương như “vùng đất mới” về lĩnh vực BĐS nên cơ hội, tiềm năng vẫn rất lớn, dễ thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là khách hàng tại TPHCM có tiềm lực tài chính lớn.
Ai mua, ai bán?
Ai mua, ai bán?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết tại dự án Vạn Phúc City sức mua hiện nay vẫn rất yếu, có lẽ do khách hàng còn tâm lý “co cụm, chờ đợi”. Theo các chuyên gia, nhóm khách hàng mua để đầu tư giảm mạnh trong thời gian gần đây, các dự án căn hộ giá vừa phải có sự hỗ trợ từ ngân hàng, hoặc một số dự án phân lô vùng ven hoặc các tỉnh giáp ranh TPHCM, mới thực sự có tính thanh khoản cao.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam cho biết, sau khi cả nước kiểm soát được dịch Covid-19, đời sống xã hội đi vào tình trạng “bình thường mới”, trong quý II thị trường ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực, khi nguồn cung, lượng tiêu thụ mới tăng đáng kể so với quý trước, được thể hiện rõ ở hầu hết phân khúc. Mặt bằng giá không có nhiều biến động, thanh khoản của thị trường vẫn ở mức khá thấp so với thời điểm cuối năm 2019. Tại TPHCM, ở phân khúc đất nền, DKRA Vietnam ghi nhận trong quý II có 3 dự án ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của quý I, bằng 66% cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 53%, bằng 73% so với quý I và bằng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thị trường căn hộ trong quý II lượng tiêu thụ trên nguồn cung đạt khoảng 72,8% (1.765 căn), tăng 54% so với quý I nhưng giảm khoảng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra một số phân khúc khác sức cầu cũng giảm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoại trừ các dự án đáp ứng được nhu cầu để ở của người mua (về giá, điều kiện đi lại…) có tính thanh khoản tốt, thanh khoản thực, các dự án còn lại hầu hết khách hàng là nhà đầu tư. Nhóm khách hàng này với mục đích “lướt sóng” nhưng tình hình hiện nay rất khó để ra hàng. Vì vậy, nhiều khách hàng đã chọn giải pháp chịu phạt để lấy lại tiền, số khác xin giãn tiến độ đóng tiền chờ thị trường phục hồi.
Chủ một dự án cho biết, trước những khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp buộc phải chia sẻ với khách hàng khi tạm ngưng thu các đợt tiếp theo, giãn thời gian đóng tiền. Một nhân viên môi giới cho biết, có nhiều khách hàng “ôm” cùng lúc 5-7 căn hộ, nền đất, nhưng khả năng thanh toán tối đa chỉ 50%. Do thị trường ảm đạm nhiều khách không “ra” được hàng, trong khi không thể đóng các đợt tiếp theo, nên họ không tiếp tục đầu tư, tìm cách trả lại hoặc xin ngưng đóng tiền chờ thị trường phục hồi.
Nhóm khách hàng đầu cơ với mục đích “lướt sóng” đã “ngậm hàng” cách nay vài tháng chờ đón sóng hậu Covid-19, hiện nay muốn bán cũng rất khó để ra hàng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp chịu phạt để lấy lại tiền, số khác xin giãn tiến độ đóng tiền chờ thị trường phục hồi. |