Tính tới 17-8, giá đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn COMEX giao dịch quanh mức 3,59USD/pound, tương ứng tăng 13,1%; trên sàn SHFE giao dịch quanh mức 61.500NDT/tấn, tương đương tăng 13,4%; và giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME giao dịch quanh mức 7.999USD/tấn.
Nguyên nhân tăng giá
Động lực tăng giá của đồng và kim loại nói chung đến từ sự đảo ngược của các nguyên nhân gây giảm giá trước đó. Cụ thể, trong quý II giá kim loại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự phong tỏa đối với hoạt động kinh tế ở Trung Quốc do chính sách zero Covid của nước này. Cụ thể nhiều mặt hàng kim loại có nhu cầu tiêu thụ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc hơn 50%, như quặng sắt, đồng, kẽm… Nhu cầu đột ngột bị chặn lại đã khiến tâm lý bi quan dâng cao, nhất là khi điều này tiếp nối sau sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc cuối 2021 và đầu 2022. Các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với ngành bất động sản vẫn chưa kịp tác dụng, mọi hoạt động đều đảo lộn hoặc ngưng lại do phong tỏa.
Bên cạnh đó, chính sách của các NHTW lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHTW châu Âu (ECB), đều thể hiện quyết tâm can thiệp đối với mức lạm phát cao hiện tại ở Mỹ và châu Âu. Điều này lại càng tác động đến tâm lý thị trường hơn, khi tốc độ tăng lãi suất nhanh diễn ra trong khi tăng trưởng GDP của Mỹ âm trong 2 quý liên tiếp, và sự trì trệ trong tăng trưởng GDP của châu Âu do giá năng lượng quá cao. Tuy nhiên, tới giữa tháng 7 Trung Quốc bắt đầu mở cửa dần hoạt động kinh tế. Từ đó nhu cầu tiêu thụ đối với thị trường kim loại từng bước phục hồi. Hoạt động kinh tế được triển khai dẫn tới nhu cầu đối với đồng được kỳ vọng gia tăng trở lại, do kim loại này có sự hiện diện trong hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp của nền kinh tế.
Bên cạnh sự kỳ vọng vào Trung Quốc, thị trường cũng tin rằng Fed sẽ bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất, hoặc ngưng lại để hỗ trợ nền kinh tế. Yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng này đến từ việc giá dầu thô giảm liên tục kể từ tháng 6, hiện đang giao dịch dưới mức 90USD/thùng. Tín hiệu nữa đối với lộ trình tăng lãi suất của Fed là việc trái phiếu kho bạc Mỹ có dấu hiệu tạo đáy vào giữa tháng 6, hiện đang trong xu hướng tăng. Điều đó cho thấy thị trường trái phiếu - vốn được xem là nhạy cảm nhất đối với lãi suất - đánh giá xu hướng tăng lãi suất của Fed có thể sắp ngưng. Ngoài ra, thị trường cổ phiếu Mỹ cũng chứng kiến xu hướng tăng bắt đầu từ ngày 17-6 đến nay. Tính đến ngày 16-8, chỉ số SP500 đã tăng lên mức hơn 4.300 điểm, tương ứng tăng 18,1% so với mức đáy 3.642 điểm.
Xu hướng cung - cầu trung và dài hạn
Yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ đồng ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay là cơ sở hạ tầng trong ngành điện lực, bao gồm cả chi tiêu lưới điện và dự án phát điện. Chi tiêu cho lưới điện tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, phát điện tăng trưởng 14%. Nhu cầu điện gió mới lắp đặt cũng tăng 19% so với cùng kỳ. Công suất điện mặt trời lắp đặt mới tăng 137%. Xu hướng giảm thiểu khí thải carbon đang được đặt lên ưu tiên đối với cả thế giới và Trung Quốc, do đó nhu cầu điện gió của Trung Quốc dự kiến tăng mạnh đã hỗ trợ cho giá đồng. Tập đoàn lưới điện Trung Quốc đặt ngân sách dự kiến năm 2022 là 501,2 tỷ NDT, tương ứng tăng 6% so với 2021. Hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ đồng còn đến từ cơ sở hạ tầng như ngành vận tải, ngành nước…
Trong khi đó, sự kỳ vọng đối với nhu cầu từ Mỹ và châu Âu trong nửa cuối năm nay không nhiều, bởi sự trì trệ của nền kinh tế ở 2 khu vực này khó tránh khỏi trong bối cảnh lãi suất kèm lạm phát cao. Niềm hy vọng duy nhất có lẽ là nền kinh tế tại Mỹ đã tạo đáy nếu như Fed thực sự ngưng tăng lãi suất.
Về phía nguồn cung, tinh quặng đồng đã chuyển trạng thái từ “cực kỳ khan hiếm” sang mức độ bớt trầm trọng hơn. Giai đoạn đỉnh điểm đối với thiếu hụt tinh quặng đồng là trong nửa đầu năm 2021, khi đó phí xử lý tinh quặng (TCRCs) giảm xuống mức thấp nhất trong thập niên. Cho tới thời điểm hiện tại, thị trường đang nhìn thấy triển vọng sáng sủa về nguồn cung, khi ghi nhận một loạt dự án khai thác đồng đã đi vào hoạt động ở Peru, Chile, Mông Cổ và Trung Phi, hoặc dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2024.
Như vậy, với việc nỗi lo nguồn cung được giải tỏa trong trung hạn, xu hướng giá đồng chủ yếu phụ thuộc vào triển vọng của nhu cầu tiêu thụ. Các đợt tăng/giảm giá của đồng trong thời gian tới sẽ đến từ sự quan sát đối với hoạt động kinh tế của các khu vực quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, sự trì trệ trong tăng trưởng GDP ở Mỹ và châu Âu có thể nhìn thấy và cần chờ đợi ít nhất tới đầu năm 2023, mới có thể chứng kiến sự phục hồi vững vàng trong nhu cầu tiêu thụ tại 2 khu vực này.
Về dài hạn, dữ liệu của hãng Standard & Poor cho biết vốn đầu tư toàn cầu của các nhà sản xuất đồng dự kiến giảm trong giai đoạn 2022-2024. Tổng chi tiêu đầu tư trong năm 2024 chỉ bằng khoảng 50% so với cao điểm năm 2014, và mức độ này rất đáng kể. Hãng Standard & Poor dự báo sự suy giảm trong đầu tư vào ngành khai thác đồng có thể làm suy giảm nguồn cung cấp mỏ với khối lượng khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, sự cạn kiệt về tài nguyên có thể đóng góp vào việc giảm nguồn cung thêm 1,5-2,25 triệu tấn mỗi năm. Như vậy triển vọng trong dài hạn đối với giá đồng là xu hướng tăng giá.