Vừa chào sân đã thống lĩnh thị trường?
Giữa lúc thị trường gọi xe công nghệ tái dậy sóng với sự xuất hiện của loạt tay chơi mới, đội đỏ Go-Viet tiếp tục "thừa thắng xông lên", tiến quân ra thị trường Hà Nội, khẳng định tinh thần của một tân binh hừng hực chiến đấu.
Đáng chú ý, tại lễ ra mắt Go-Viet ở khu vực Hà Nội, ông Nadiem Makarim, Tổng giám đốc, nhà sáng lập Go-Jek (Indonesia) - công ty mẹ của Go-Viet, cho biết sau 6 tuần ra mắt dịch vụ Go-Bike tại TP.HCM, Go-Viet đã có được 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và nắm giữ 35% thị phần.
Trước đó, tuyên bố chiếm 10% thị phần chỉ trong 3 ngày ra mắt tại TP.HCM của ông Andre Soelistyo, chủ tịch Go-Jek cũng đã gây sốc vì ngay cả Grab, ứng dụng thành công nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay, hay như đối thủ ngang tầm - Uber trước đây cũng chưa bao giờ dám lên tiếng khẳng định, tuyên bố thống lĩnh hay chiếm được bao nhiêu thị phần.
Tuyên bố của vị này khi đó đã vấp phải nhiều nghi ngờ của giới chuyên gia khi cho rằng việc xác định chính xác thị phần tại thị trường này hoàn toàn không dễ, đặc biệt khi việc định danh loại hình này còn chưa ngã ngũ, chính cơ quan nhà nước cũng khó lòng xác định tỷ lệ chiếm lĩnh thị phần của bất cứ doanh nghiệp cung cấp phần mềm nào.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa nhận định khi không có một đơn vị độc lập, đáng tin cậy công bố kết quả thống kê, khảo sát, các doanh nghiệp thường có xu hướng nâng con số so với thực tế nhằm đánh vào tâm lý của đối tác, gây hiệu ứng đám đông. Đây là một trong những thủ thuật truyền thông thường thấy đối với các doanh nghiệp mới, đang hừng hực khí thế muốn giành thị phần.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng con số này thật sự khó tin nhưng theo ông, nếu chỉ đơn thuần là chiến lược truyền thông thì có vẻ phát ngôn lần này của Go-Viet đã hơi "quá đà" vì chiếu theo luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên sẽ được coi là có vị trí thống lĩnh. Cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc để đánh giá, kiểm soát mức độ chi phối đối với thị trường.
Tiềm năng nhưng không "dễ ăn"
Không thể phủ nhận, trong số các tay đua tham gia thị trường gọi xe công nghệ cả trong và ngoài nước, Go-Viet đươc coi là đối thủ đáng gờm nhất của "anh cả" Grab hiện nay. Được hậu thuẫn từ hãng gọi xe hàng đầu Indonesia, Go-Viet có tiềm lực tài chính khá mạnh, chiến lược rõ ràng.
Cũng giống như các "ông lớn" khác, khi bắt đầu vào thị trường TP.HCM, ứng dụng gọi xe này cũng không tiếc tiền tung loạt khuyến mãi lớn nhằm thu hút tài xế và người tiêu dùng. Tuy nhiên dù có mạnh thì chiêu "đốt vốn" làm ưu đãi cũng khó có thể kéo dài.
Sau thời gian đầu rầm rộ, Go-Viet đang có động thái giảm dần các chương trình ưu đãi. Cụ thể ngày 7.9, trên fanpage Go-Viet, hãng này thông báo không còn áp dụng ưu đãi 9.000 đồng với các chuyến đi dưới 8 km cho hai khung giờ 6 - 9 giờ sáng và 5 - 8 giờ tối. Trước đó, sau gần 1 tháng áp dụng chiêu khuyến mãi 5.000 đồng cho một chuyến đi dưới 8 km, vào ngày 26.8, hãng đã nâng mức giá lên 9.000 đồng.
Nhiều tài xế bắt đầu tỏ ra lo lắng khi số cuốc ít đi trong giờ cao điểm, thời gian chờ để nhận cuốc lâu hơn, thu nhập sụt nhẹ so với những ngày trước đó. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng bắt đầu quan tâm thì đã hết khuyến mãi nên không ngại ngần từ bỏ ý định dùng thử một ứng dụng mới. Cũng có không ít khách hàng than phiền ở khu vực xa trung tâm thường khó gọi xe và tình trạng tài xế yêu cầu khách hủy cuốc đang diễn ra ngày càng nhiều.
Ông Ngô Trí Long nhận định thời đại công nghệ phát triển, nhu cầu người dùng cũng cao hơn, đồng nghĩa dư địa phát triển của loại hình này còn rất lớn. Tuy nhiên đây không phải là miếng bánh "ngon ăn". Đối với thị trường gọi xe công nghệ, quan trọng nhất là có lực lượng tài xế đông đảo đủ để phục vụ người dùng ngay khi họ cần. Tâm lý của khách hàng rất đơn giản, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẽ lựa chọn.
Chỉ cần 2 - 3 lần gọi xe không được, khách hàng sẽ nản, tạo ấn tượng không tốt và sẽ rất khó để quay lại sử dụng. Minh chứng rõ nhất là rất nhiều ứng dụng như VATO, ABER, GOFAST ra mắt rầm rộ, nhận được nhiều ủng hộ của người tiêu dùng khi đánh vào tâm lý người Việt ủng hộ hàng Việt nhưng cuối cùng cũng phải im hơi lặng tiếng vì không đủ lực lượng phục vụ khách hàng.
Ông Long cũng đánh giá trong cuộc chiến hiện tại, Grab vẫn đang thể hiện vị trí anh cả, rất khó để các tân binh có thể đánh bại.
"Là người đầu tiên khai phá thị trường, Grab đã khẳng định được thương hiệu, ít nhiều tạo được vị thế nhất định trong lòng người dùng. Họ cũng có một lực lượng tài xế đông đảo, tạo tiền đề cơ bản vững chắc cho việc mở rộng thêm các tiện ích, dịch vụ khác. Tuy nhiên thị trường luôn khốc liệt và không thể nói trước điều gì. Người mới hay cũ, chỉ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả thỏa mãn người dùng là sẽ thắng" - vị này nói.