Thị trường heo hơi tiếp tục tăng giá

(ĐTTCO) - Tính tới ngày 13-7, giá heo hơi kỳ hạn tháng 8 trên sàn CME giao dịch quanh mức 110,8 USD/100 lb, cao hơn khoảng 14,5% so với mức giá 96,75 mở cửa đầu năm nay. Trong khi đó, giá heo hơi kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tính tới ngày 12-7 giao dịch quanh mức 22.855 CNY/tấn, tương ứng tăng 34,4% so với mức giá 17.000 CNY/tấn mở cửa hồi đầu năm. 

Nguyên nhân giá heo tăng, theo hãng Genesus, do tổng hợp của nhiều yếu tố như tổn thất tài chính do Covid, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, khó khăn trong tìm kiếm lao động...

Thị trường thế giới
Theo báo cáo tháng 7 của Genesus, Philippines là quốc gia có giá trung bình heo hơi cao nhất thế giới với 3,7 USD/kg, tiếp theo là Hàn Quốc (không tính Jeju) với 3,33 USD/kg. Trung bình giá heo hơi ở Việt Nam khoảng 2,4 USD/kg, cao hơn mức trung bình 2,14 USD/kg tại các thị trường lớn, và thấp hơn giá heo ở Trung Quốc.
Về cơ cấu sản xuất, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, quốc gia có số lượng heo lớn nhất là Trung Quốc với 51 triệu tấn, chiếm 46% thế giới. Tiếp theo là khu vực EU với 23,2 triệu tấn (chiếm 21%) và đứng thứ 3 là Mỹ với 12,3 triệu tấn (chiếm 11%). Việt Nam có sản lượng heo hơi đứng thứ 5 thế giới với 2,72 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 3% thế giới.
Thị trường heo hơi tiếp tục tăng giá ảnh 1
Về nhu cầu tiêu thụ, Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất với 54,4 triệu tấn, chiếm 49% thế giới. Xếp lần lượt tiếp theo là EU, Mỹ với nhu cầu tương ứng 18,5 triệu tấn và 9,9 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tiêu thụ thịt heo với 2,99 triệu tấn. Có thể thấy sản lượng chăn nuôi heo của Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mỗi năm nhập khẩu khoảng 300.000 tấn thịt heo.

Các yếu tố tác động chung
Báo cáo của hãng Genesus cho biết, trong hơn 1 năm qua thị trường chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn, lại xảy đến liên tiếp và tích lũy, ảnh hưởng tổng hợp lên điều kiện sản xuất khắp thế giới. Các nguyên nhân có thể kể đến như thiệt hại về tài chính do dịch Covid, dẫn đến năng lực đầu tư tái đàn bị hạn chế. Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng lên do giá các loại nông sản ngũ cốc tăng liên tục. Chẳng hạn, giá lúa mì đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2021, và mới giảm được hơn 2 tháng nay. Tỷ lệ giữa giá lúa mì và heo hơi ở châu Âu tăng liên tục kể từ năm 2020 và đã vượt đỉnh hồi năm 2011. Hiện tại tỷ lệ này đang ở mức khoảng 15%. 
Thị trường heo hơi tiếp tục tăng giá ảnh 2
Trong khi đó, báo cáo của hãng AHDB cho thấy biên lợi nhuận chăn nuôi heo tại khu vực châu Âu là con số âm liên tục kể từ quý IV-2020 đến nay, và xu hướng càng nuôi càng lỗ. Tính tới quý I-2022, trung bình nuôi mỗi con heo lỗ 58 pound. Mức lỗ này rất lớn nếu so sánh với những giai đoạn thuận lợi khi chăn nuôi có thể lời được khoảng cao nhất 23 pound/con (kể từ 2016).

Các yếu tố tác động thị trường trong nước
Báo cáo của Vietnambiz cho biết, ngày 25-5 giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng với mức tăng khoảng 300-400 đồng/kg. Cụ thể, Công ty TNHH De Heus tăng 300-400 đồng/kg; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam điều chỉnh tăng 300 đồng/kg; Công ty MNS Feed tăng 300-400 đồng/kg tùy loại… Nguyên nhân thức ăn chăn nuôi tăng giá bởi hầu hết nguyên liệu để sản xuất là nhập khẩu. Và giá nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng tăng liên tục bởi cuộc bất ổn giữa Nga và Ukraine.
Thị trường heo hơi tiếp tục tăng giá ảnh 3
Tình hình dịch bệnh ASF được kiểm soát tốt, do đó Tổng cục Thống kê cho biết tính tới cuối tháng 5 số lượng heo tăng khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh số lượng tăng, giá heo cũng tăng theo xu hướng thế giới. Tính đến 25-5, giá heo hơi tại khu vực miền Nam khoảng 56.500 đồng/kg, tăng 1,8% so với cùng kỳ tháng 4-20222. Giá heo hơi tại miền Bắc khoảng 56.600 đồng/kg, tăng 4,1%. Tại miền Trung, giá khoảng 55.300 đồng/kg, tăng 1,5% so với một tháng trước đó.

Xu hướng giá trong thời gian tới
Báo cáo của Genesus ghi nhận số lượng heo hơi giảm ở cả 3 quốc gia/khu vực chăn nuôi heo lớn nhất thế giới là Trung Quốc, EU, Mỹ (chiếm quy mô khoảng 75% sản lượng heo thế giới), điều chưa từng được ghi nhận trước đây. Xu hướng chủ động cắt giảm số lượng heo đang diễn ra do các khó khăn kéo dài sẽ là yếu tố tác động quan trọng đến giá cả trong thời gian tới. Hệ số correlation = 0,77 cho thấy mối tương quan thuận chiều giữa các nguyên liệu đầu vào quan trọng như ngô, lúa mì… với giá heo hơi. Trong khi đó, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn còn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng các loại nông sản ngũ cốc, đặc biệt là ngô và lúa mì. 
Thị trường heo hơi tiếp tục tăng giá ảnh 4
Hãng Genesus nhận định, với các yếu tố quan sát thấy hiện nay, giá heo hơi sẽ còn tiếp tục tăng. Ngay cả khi suy thoái kinh tế có nguy cơ diễn ra, thịt heo thuộc lớp hàng hóa thiết yếu với nhu cầu của thế giới, nên nhu cầu tiêu thụ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như các loại hàng hóa có tính chu kỳ dài như kim loại, sắt thép… Do đó sẽ rất khó để giá heo có thể giảm trong ngắn hạn do vấn đề chi phí đầu vào cao. 

Các tin khác