Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM. Ảnh: VĂN MINH
Tuyển một lúc cả ngàn người
Những ngày này, Công ty Cholimex đang cần tuyển dụng 1.000 công nhân chế biến thực phẩm với mức lương từ 6-11 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều phúc lợi về cơm trưa, thưởng năng suất chuyên cần, trợ cấp nuôi con nhỏ, du lịch nghỉ mát… Một số DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử cũng có nhu cầu tuyển từ 200-1.500 lao động phổ thông. Trong đó, Công ty Freetrend Industrial VN cần tuyển 1.500 người, Công ty Yujin Vina cần tuyển 1.000 người, Công ty Nidec Tosok Việt Nam, Công ty Nobland Việt Nam đều cần tuyển 700 người…
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, hiện có nhiều DN cần tuyển dụng số lượng lớn lao động, với mức lương từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề cần tuyển nhiều là công nhân may, chế biến thủy sản, vận hành máy in, nhân viên đứng máy tiện CNC… Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, cho biết, trung tâm cập nhật hàng ngày thông tin của người tìm việc và việc tìm người. Ngoài ra, mỗi 15 ngày một lần, trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ kết nối việc làm, trung tâm tổ chức kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên tìm việc trên Zalo; chỉ cần quét mã QR là người tìm việc và DN cần tuyển người sẽ nắm bắt được thông tin, nhu cầu của nhau.
Ở thị trường lao động trung và cao cấp, Công ty TNHH Bosch Việt Nam tuyển kỹ sư IT có kinh nghiệm phát triển đa nền tảng, kỹ năng vững vàng, sử dụng tốt tiếng Anh. Ngoài tiền lương, Bosch có tiền thưởng tháng 13, các khoản thưởng trong năm và gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp dành cho nhân viên cùng người thân. Trong khi đó, Công ty TNHH NEC Việt Nam tuyển dụng kỹ sư có tư duy logic, có khả năng làm việc dưới áp lực cao, có kỹ năng làm việc nhóm với tinh thần chủ động và độc lập. NEC đưa ra mức thưởng tháng 15, phúc lợi với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cao cấp quốc tế, 19 ngày nghỉ phép có lương và trợ cấp đặc biệt cho chứng chỉ ngoại ngữ (500 USD/người/tháng)…
Nhiều DN khác cũng tuyển lao động chất lượng cao, lao động cấp trung và cấp cao với yêu cầu có khả năng làm việc cùng các đồng nghiệp trên toàn thế giới, cư xử có đạo đức và chuẩn mực, luôn thúc đẩy sự cải tiến, theo đuổi sự đổi mới… Đại diện Công ty Navigos (đơn vị chuyên về nhân sự cấp trung và cấp cao) thông tin gần 57% DN tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng lao động ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, 50% DN sẽ tuyển nhân viên mới. Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và cũng là cơ hội quý cho những người lao động (NLĐ) đang tìm việc.
Hơn 1,3 triệu lao động quay lại làm việc
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, thông tin, qua báo cáo chưa đầy đủ của các quận, huyện và TP Thủ Đức, ghi nhận có hơn 1,3 triệu lao động đã quay lại làm việc. Riêng trong khu chế xuất - khu công nghiệp - khu công nghệ cao (KCX-KCN- KCNC), đến nay đã có 1.430 DN hoạt động trở lại (chiếm 95%) với gần 257.000 lao động (chiếm 76%). Dù vậy, các DN có số lao động lớn vẫn chưa hoạt động hết công suất, chỉ từ 50%-80% tổng số lao động, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cũng như để hạn chế lây lan dịch bệnh nếu không may trong DN có F0. “Đặc thù của các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo là nhu cầu tuyển lao động quanh năm để đáp ứng công suất hoạt động và thay thế, bổ sung NLĐ nghỉ việc”, ông Lê Minh Tấn nhận xét về cơ hội việc làm trong thời gian tới.
Theo thống kê, từ nay đến cuối năm, toàn TPHCM cần khoảng 57.000 lao động. Trong đó, nhóm ngành nghề kinh doanh - thương mại cần khoảng 13.000 lao động; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần khoảng 6.500 lao động, công nghệ thông tin cần khoảng 4.300 lao động, cơ khí - tự động hóa cần khoảng 2.800 lao động, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 2.700 lao động…
Trước nhu cầu này, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM và Ban Quản lý KCNC TPHCM nắm bắt nhu cầu lao động trong các DN. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu lao động. Trọng tâm là tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Hoạt động này nhằm giúp NLĐ các tỉnh tham gia phỏng vấn trực tiếp với các DN tại TPHCM. Sở cũng phối hợp quận, huyện tiếp nhận danh sách NLĐ bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm; tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với NLĐ tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, TPHCM tạo điều kiện thuận lợi đưa NLĐ trở lại thành phố sinh sống, làm việc.
Chính sách của TPHCM đối với NLĐ - Triển khai các đợt hỗ trợ. - Vận động, khuyến khích các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ. - Tạo điều kiện để DN đưa đón NLĐ di chuyển an toàn khi quay trở lại làm việc. - Kết nối cung - cầu lao động, tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm để NLĐ và nhà tuyển dụng trao đổi, phỏng vấn. - Bao phủ vaccine cho người lao động. |
Tiến sĩ TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM: Thúc đẩy thu hút lao động có chuyên môn Người lao động (NLĐ) ngoại tỉnh làm việc ở TPHCM gồm các nhóm NLĐ làm việc ở các DN FDI và các DN lớn, có thu nhập tương đối ổn định (bình quân trên 6.000 USD/năm), có chỗ ở ổn định và đa số an cư. Trong khi đó, các lao động tự do (ở các cơ sở cá thể, DN nhỏ và siêu nhỏ, làm việc tại công trường xây dựng, bán vé số, hàng rong...) đa phần có trình độ hạn chế, không có bảo hiểm xã hội, sinh sống ở các khu nhà trọ tạm bợ, chật chội, cuộc sống khá chật vật. Qua dịch bệnh đã phát lộ nhiều vấn đề, đòi hỏi chúng ta cần kiên quyết hơn. TPHCM cần xây dựng dữ liệu (data) về NLĐ tại thành phố, nhất là lao động ngoại tỉnh tại thành phố với các thông tin về số lượng, có tham gia bảo hiểm xã hội không, điều kiện sống, kết hôn, an cư… Từ đó, định hướng đào tạo NLĐ tự do trở thành người có kỹ thuật, chuyên môn. Điều quan trọng tiếp theo là thành phố cần thúc đẩy xây dựng các khu nhà ở dần thay thế những khu nhà trọ lụp xụp, đảm bảo an toàn về môi trường sống, an cư cho NLĐ. Đặc biệt, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao… Vì thế, Chính phủ nói chung và TPHCM nói riêng cần có chương trình tái cấu trúc lực lượng lao động, hướng tới thu hút lao động có chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Thạc sĩ TRẦN ANH TUẤN, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực TPHCM: Nhiều cơ hội cho lao động đã qua đào tạo Hậu dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang có nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, ở mức 30%, thậm chí thiếu hụt tới 60%, nhất là lao động, công nhân sản xuất trực tiếp, ngành thâm dụng lao động. Hiện nay, nhu cầu nhân lực của thành phố cần 90% là lao động đã qua đào tạo, như nhu cầu qua đào tạo nghề là 75% (20% trình độ cao đẳng, 30% trình độ trung cấp, 25% sơ cấp). Đặc biệt, doanh nghiệp rất cần lao động qua đào tạo và lao động chất lượng cao có tay nghề vượt trội, năng lực thực tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao so với mặt bằng chung. Với những yếu tố đó, thị trường lao động sẽ có chuyển biến lớn, gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ qua đào tạo. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ dần dần mất lợi thế cạnh trạnh. Một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị đào thải, thay thế bởi người có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Vì vậy, NLĐ trong tất cả ngành nghề cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp đúng đắn. TPHCM cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh lao động qua đào tạo. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thông tin và nâng chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo… giúp NLĐ tiếp cận việc làm phù hợp. |