Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Anphabe, cho biết nếu phải dùng từ để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua thì có lẽ "biến động" là từ thích hợp nhất. Giai đoạn 2013-2023 được đánh dấu bởi hàng loạt các sự kiện quan trọng như đại dịch COVID-19, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ChatGPT, xung đột địa chính trị, sự nổi lên của “đồng tiền ảo” và thế hệ Gen Z.
Suốt 10 năm biến động ấy, Anphabe đã không ngừng nghiên cứu và thực hiện các khảo sát chuyên sâu với trung bình 60.000 người lao động mỗi năm, nhằm ghi lại mỗi bước chuyển của nhịp đập thị trường.
Một trong những biến động đầu tiên của người lao động là đặt ra tiêu chuẩn về làm việc linh hoạt. Theo Anphabe, làm việc linh hoạt không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới. Mặc dù xu hướng này có phần "hạ nhiệt" sau đại dịch, nhưng sự mong đợi về một môi trường làm việc linh hoạt vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với Gen Z ( những người sinh trong khoảng từ 1997 đến 2012) với khoảng 30% Gen Z kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt và 71% Gen Z sẽ cân nhắc công việc khác nếu công ty không có chế độ này.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra xu hướng tuy thích ổn định nhưng 57% nguồn nhân lực tham gia thích làm việc tự do.
Khảo sát của Anphabe vào năm 2020 đã ghi nhận một tỷ lệ đáng kể nguồn nhân lực tham gia vào nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do). Đến năm 2021, mặc dù người đi làm ưu tiên sự ổn định nhưng con số này vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở tỷ lệ lao động tự do bán thời gian đã tăng từ 39% (năm 2020) lên 44% (năm 2021), lao động tự do toàn thời gian có giảm nhưng không đáng kể. Tổng cộng, đã có khoảng 57% nguồn nhân lực trí thức tại Việt Nam tham gia vào nền kinh tế Gig, cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong quan niệm của người lao động về sự ổn định trong công việc.
Cái gọi là "ổn định" giờ đây không còn chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động, thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc và hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.
Bên cạnh những biến động thì thị trường lao động cũng vẫn duy trì những yếu tố bất biến. Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của người đi làm vẫn là thu nhập, cân bằng và ổn định. Ngoài ra người lao động đồng tình rằng nơi làm việc lý tưởng là nơi làm việc toàn diện.
Cụ thể, khảo sát của Anphabe với trung bình 60.000 người lao động mỗi năm, dựa trên khung 6 yếu tố môi trường làm việc lý tưởng bao gồm tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa môi trường, lãnh đạo quản lý, chất lượng công việc - cuộc sống, danh tiếng công ty cho thấy: mặc dù có sự thay đổi về tỉ lệ ưu tiên giữa các yếu tố, song cả 6 yếu tố này vẫn luôn giữ vững vị thế quan trọng trong suốt thập kỷ qua, phản ánh nhu cầu bất biến của người đi làm ngày nay về một môi trường làm việc toàn diện, đáp ứng đầy đủ các khía cạnh của một nơi làm việc lý tưởng.
Vậy trong năm 2024 đâu sẽ là điểm lưu ý quan trọng trên thị trường lao động dành cho các doanh nghiệp. Theo dự báo của Anphabe thì năm 2024 sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Zombie công sở. "Zombie công sở" là thuật ngữ mà Anphabe đưa ra nhằm mô tả nhóm người lao động: đi làm nhưng không nỗ lực làm; không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết; hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Vì thế, nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà doanh nghiệp cần quan tâm đó là tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho “zombie công sở”.