Hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon" do Báo SGGP tổ chức ngày 6-9 đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý với mong muốn xây dựng được "thị trường tài chính xanh" đúng như tên gọi.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phải đẩy nhanh tiến độ làm chính sách
TPHCM đã có Nghị quyết 98, vì thế tôi rất mong muốn TPHCM triển khai các biện pháp kỹ thuật để hình thành thị trường tài chính xanh, trong đó có thị trường tín chỉ carbon. Khi thiết lập thị trường tài chính xanh, ưu tiên đầu tiên là phải có sản phẩm, các thiết chế phải tạo ra sản phẩm từ đo lường, kiểm đếm, cấp tín chỉ…
Nhưng cũng cần lưu ý một số điều liên quan đến sản phẩm như sau: có sản phẩm đặc thù cho TPHCM chứ không làm dàn trải. Với kết nối quốc tế không có cách nào tốt bằng tạo ra sản phẩm có thể trao đổi quốc tế, sản phẩm đó phải được thừa nhận và giao dịch quốc tế.
Lưu ý, sản phẩm này phải là hàng hóa và phải tính đến khung chính sách pháp luật quốc gia và sau đó cũng là sản phẩm quốc gia. Muốn vậy, nên hỗ trợ DN tạo ra sản phẩm, nhu cầu và cơ hội để mua bán.
Với thị trường carbon, ngoài thị trường tuân thủ thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sàn giao dịch đã có sẵn ở Việt Nam như Sở Giao dịch hàng hóa. Và không thể thiếu từ phía cơ quan Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ làm chính sách, cũng như thử nghiệm các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon.
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Ủy viên Ủy ban KH-CN và MT của Quốc hội: Sẽ nghiên cứu đề xuất Luật Biến đổi khí hậu
Qua các ý kiến trao đổi tại hội thảo, có thể thấy chúng ta đang trăn trở khi vừa phải thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế vừa phải giữ sự phát triển bền vững, đặc biệt là cam kết đưa phát thải ròng về 0 của Thủ tướng.
Có thể khẳng định phát triển bền vững cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần khẳng định chúng ta không đánh đổi môi trường, sự phát triển xã hội để lấy sự phát triển kinh tế đơn thuần.
Với vai trò là Ủy viên Ủy ban KH-CN và MT, tôi sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và báo lại với Thường trực Ủy ban để có những định hướng, xem xét cụ thể kiến nghị của một số đại biểu, như Luật Bảo vệ môi trường có cần xem xét thông qua hay không?
Hiện nay, Tiểu ban môi trường biến đổi khí hậu của ủy ban mà tôi là thành viên trực tiếp của tiểu ban, cũng đang xem xét có thể nghiên cứu đề xuất Luật Biến đổi khí hậu, thậm chí Luật Năng lượng tái tạo… Khi nào có cụ thể, thường trực ủy ban sẽ báo cáo Quốc hội. Khi có thông tin cụ thể hơn chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi.
Ông HOÀNG THÁI SƠN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính: Một cuộc chơi mà Việt Nam phải chủ động
Giảm phát thải ròng về 0 thật sự là một cuộc chơi. Thứ nhất, chúng ta chủ động chơi, vì Việt Nam đã cam kết và sẽ thực hiện như một điều ước quốc tế. Thứ hai, Liên minh châu Âu sắp áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon và sau đó sẽ có một loạt các nước G7 sẽ áp dụng.
Chúng ta không có cách nào khác. Đến năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm 171% GDP, tức là độ mở của nền kinh tế rất lớn. Nếu không xuất khẩu được sẽ rất khó. Vì vậy, nhà nước sẽ cố gắng đồng hành cùng với các DN.
Vậy nếu giảm phát thải thì chi phí thế nào? Thống kê sơ bộ đối với một số lĩnh vực, nếu đưa vào chi phí giảm phát thải, chi phí ngành dịch vụ sẽ tăng thêm 1-5%, chi phí ngành xi măng tăng rất mạnh từ 5-20% so với hiện nay, chi phí hàng không tăng khoảng 3-30% tùy công nghệ đang sử dụng, vận chuyển hàng hóa tăng từ 3-27%, ngành xây dựng và sản xuất từ 2-10%...
Đây chỉ là tổng kết của thế giới. Nếu công nghệ đang sử dụng hiện đại, chi phí sẽ ít hơn, nhưng nếu càng lạc hậu, sẽ phải chuyển đổi công nghệ, phải thay đổi hoặc là phải mua tín chỉ carbon để có thể xuất khẩu được, chi phí sẽ cao hơn.
Tại Việt Nam, với yêu cầu mới, một số ngành xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh như sắt thép, nhôm, phân bón, xi măng. Đồng thời với một vòng xoay tròn, khi một quốc gia giảm phát thải một cách triệt để, những ngành như điện là đầu nguồn cho tất cả các ngành công nghiệp khác phải sớm tính đến, vì đây sẽ là đầu vào cho tất cả các ngành khác.
Còn về thị trường carbon, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường đã giao Bộ Tài chính xây dựng thị trường này. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ TN-MT sẽ trình một quyết định lên Thủ tướng Chính phủ trong mấy ngày nữa, sau đó dự kiến sẽ đưa ra các khung chính sách về hàng hóa.
Những tổ chức trung gian cho thị trường chính là những tổ chức đánh giá, họ là tổ chức nước ngoài. Tổ chức đó sẽ đo một nhà máy, chẳng hạn sản xuất thép sẽ phát thải bao nhiêu carbon theo “luật chơi” chung của thế giới. Về hàng hóa, sau khi có Nghị định xây dựng, Bộ TN-MT sẽ đưa ra nguồn xác nhận chính thức trở thành hàng hóa.
Và để đạt mục tiêu 2025 vận hành thí điểm, toàn bộ chính sách này phải hoàn thành từ 1-7-2024. Bộ Tài chính và Bộ TN-MT sẽ cố gắng tạo ra một thị trường công khai minh bạch, rõ ràng nhất để có thể trao đổi được. Và theo như lộ trình, đến năm 2028, sau khi thí điểm sẽ được vận hành chính thức và có thể sẽ kết nối với thị trường quốc tế.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THỌ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách, Bộ TN-MT: Bộ đang đề xuất Chính phủ ban hành quyết định phân loại xanh
Từ ngày 1-10 năm nay, châu Âu bắt đầu áp dụng cơ chế điều chỉnh thị trường carbon. Các sản phẩm như sắt thép, nhôm, phân bón thuốc trừ sâu… là những lĩnh vực đầu tiên sẽ bị áp dụng theo cơ chế thị trường carbon. Theo đó, tất cả các nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về kiểm kê và báo cáo về vấn đề carbon. Đây là một trong những thách thức trong thời gian tới.
Như vậy, tài chính xanh, tài chính khí hậu sẽ là yêu cầu bắt buộc. Các DN bắt buộc phải thích ứng để có thể tiếp tục bán được sản phẩm của mình sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Hiện trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã thể chế hóa quy định cụ thể về việc phát hành trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để ban hành quyết định về phân loại xanh.
Đây là một tiêu chí chung hài hòa giữa các tiêu chuẩn của châu Âu, tiêu chuẩn của WB, của IFC, cũng như điều kiện phù hợp với Việt Nam, để các DN có thể đối chiếu và các ngân hàng có thể giám sát các DN có đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh hay không.
Trước đây Chính phủ đã có Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn; Nghị định 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Bộ TN-MT có Thông tư 02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Trong đó, lộ trình để Việt Nam có thể thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện các cơ chế về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất được xây dựng rất rõ.
Trong quy định của Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ việc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là giảm việc tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm vật liệu, giảm phát thải môi trường và không gây tác động xấu tới môi trường.
Đây chính là 4 tiêu chí đã đưa vào phân loại xanh để xác định được dự án xanh trong thời gian tới, bắt buộc UBND các tỉnh phải lồng ghép yêu cầu về kinh tế tuần hoàn vào trong quy hoạch kế hoạch và chiến lược của mình.
Thực ra hiện nay các quy định về tiêu chí cũng như phát triển thị trường carbon chủ yếu là hình thành ở trong nội bộ các nước và trong nội bộ các khu vực và chưa có tiêu chí chung.
Vì vậy, để hòa nhập cùng thế giới trong thời gian tới, việc thực hiện ban hành thể chế để tổ chức thị trường như thuế carbon, cơ chế trao đổi tín chỉ carbon hay thị trường carbon tự nguyện là những hình thức có thể thực hiện trong thời gian tới.