Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nguy cơ bị giảm sức cạnh tranh, khi thị trường này bắt đầu thí điểm áp dụng tính thuế carbon - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - từ tháng 10 năm nay, và bắt đầu áp dụng chính thức từ năm 2026.
Tuy EU dự kiến thí điểm từ tháng 10, song cũng lo ngại các doanh nghiệp có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, ảnh hưởng đến tham vọng trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Do đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Việt Nam hiện đang là đối tác lớn thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Do đó, nhiều ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của cơ chế này, trong đó có 4 ngành hàng được đánh giá chịu tác động lớn nhất là sắt thép, nhôm, xi măng và hóa chất.
Tại hội thảo tham vấn Đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động ảnh hưởng do CBAM của EU đặt ra đối với hàng hóa của Việt Nam diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cùng chung ý kiến rằng, cơ quan chức năng cần sớm ban hành cơ chế tương ứng ở trong nước để làm cơ sở cho doanh nghiệp thực thi.
Hiện tại, đang có 2 phương án đề xuất việc ban hành thuế carbon dựa trên các cơ chế chính sách hiện hành. Một là, sửa đổi dự thảo nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải chuẩn bị được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023. Hai là, đưa thuế carbon vào nội dung sửa đổi của thuế bảo vệ môi trường (EPT) Bộ Tài chính dự kiến trình vào năm 2026, sẽ cho phép thời gian chuẩn bị dài hơn.
Theo bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), thuế carbon là một trong những công cụ định giá carbon phổ biến trên thế giới, cùng với cơ chế tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Về điểm khác biệt, giá carbon theo cơ chế tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch sẽ được xác định theo cơ chế thị trường, dựa trên quan hệ cung cầu. Trong khi đó, thuế carbon do Chính phủ áp đặt để hạn chế phát thải khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi đó, theo một chuyên gia của Chương trình Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), cơ chế thu thuế hiện đang đánh mức đồng đều, không mang tính chất thưởng phạt nên không thúc đẩy được các doanh nghiệp nỗ lực trong việc thực hiện giảm phát thải. Còn CBAM đánh thuế dựa trên việc thưởng phạt nhiều hơn. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về “cây gậy và củ cà rốt” để doanh nghiệp thấy rằng khi sử dụng lãng phí sẽ bị áp thuế carbon, thuế lãng phí tài nguyên cao hơn.
Việc xây dựng và áp dụng định giá carbon cũng như thuế carbon là việc cần phải làm, để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và các mục tiêu kinh tế, trước mắt nhằm thích ứng với cơ chế CBAM của EU. Song về lâu dài, việc áp dụng thuế carbon sẽ là phương án giữ lại nguồn tiền tại Việt Nam phục vụ cho các mục đích liên quan đến chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính.
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon cần có lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo hài hòa được lợi ích của Nhà nước, cũng như của doanh nghiệp và các đối tượng chịu thuế. Muốn vậy, thuế carbon cần phải rõ ràng, phải được tham vấn một cách rộng rãi, đầy đủ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng thuế carbon, cũng như sử dụng nguồn thu từ thuế để phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thay vì việc sử dụng dòng thuế này đưa vào ngân sách nhà nước.