Giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản và trái phiếu kho bạc Mỹ đều sụt giảm, trong khi đồng yên tăng mạnh sau khi BOJ nâng trần lãi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%, gây ngạc nhiên cho mọi nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Động thái này đã ảnh hưởng đến tất cả các ngóc ngách trên thị trường tài chính, từ hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ đến đồng đô la Úc và vàng.
Sự hỗn loạn này khó có thể sớm kết thúc. Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới và việc thắt chặt các điều kiện tài chính trong nước có thể dẫn đến làn sóng vốn quay trở lại Nhật Bản. Điều đó có nguy cơ đẩy giá tài sản xuống và tăng chi phí đi vay toàn cầu vào thời điểm triển vọng kinh tế đang xấu đi.
“Điều quan trọng là không được đánh giá thấp tác động mà động thái này có thể gây ra, bởi vì chính sách thắt chặt hơn của BOJ sẽ loại bỏ một trong những điểm neo toàn cầu cuối cùng giúp giữ chi phí đi vay ở mức thấp trên diện rộng hơn”, Jim Reid, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Deutsche Bank AG cho biết.
Theo UBS Group AG, các nhà đầu tư dự kiến sẽ bán trái phiếu ở Mỹ, Úc và Pháp, và cổ phiếu của các thị trường phát triển cũng có khả năng sụt giảm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp đã tăng 9 điểm cơ bản lên 2,81% trong ngày 20/12, cao nhất trong số các thị trường chính trong khu vực. Thị trường chứng khoán Đức đã giảm ngày thứ năm liên tiếp và là chuỗi giảm giá dài nhất kể từ đầu tháng 9. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average giảm tới 3%.
Amir Anvarzadeh, nhà phân tích tại Asymmetric Advisors đã theo dõi thị trường Nhật Bản trong ba thập kỷ cho biết: “Điều này chắc chắn sẽ xảy ra khi lạm phát gia tăng ở Nhật Bản, nó chỉ xảy ra sớm hơn nhiều người nghĩ. Nó có thể châm ngòi cho dòng tiền quay trở lại Nhật Bản. Nó sẽ buộc các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường phòng ngừa rủi ro đối với việc tiếp xúc với đồng đô la, từ đó củng cố đồng yên và trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm về sức mạnh của đồng yên”.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã tăng tới 21 điểm cơ bản lên 0,46% trước khi giảm trở lại 0,4% sau khi BOJ cũng công bố các hoạt động mua trái phiếu đột xuất. Đồng yên mạnh lên tới 3,6% lên 132 mỗi USD trong ngày 20/12.
Shane Oliver, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại AMP Services Ltd. cho biết: “Về lý thuyết, đó không phải là thắt chặt chính sách tiền tệ vì mục tiêu lợi suất vẫn bằng 0 và BOJ cho biết họ sẽ đẩy mạnh mua trái phiếu. Tuy nhiên, đây sẽ được xem là một động thái theo hướng thắt chặt vì điều này sẽ làm tăng thêm xu hướng diều hâu từ các ngân hàng trung ương toàn cầu, do đó đồng yên có thể tăng đột biến và tác động bất lợi đến thị trường cổ phiếu toàn cầu”.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết rằng, việc mở rộng thêm biên độ lợi suất là không cần thiết và sự thay đổi trong kiểm soát đường cong lợi suất có thể sẽ tích cực cho nền kinh tế.
Việc điều chỉnh chính sách được đưa ra sau khi lạm phát cơ bản của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ đã thúc đẩy khả năng giảm kích thích của ngân hàng trung ương. Suy đoán về sự thay đổi đã làm rung chuyển thị trường tài chính sau khi hãng tin Kyodo đưa tin rằng, Thủ tướng Fumio Kishida đang lên kế hoạch sửa đổi thỏa thuận kéo dài hàng thập kỷ với BOJ về mục tiêu lạm phát 2%.
“Hành động của BOJ rõ ràng là tiêu cực đối với trái phiếu toàn cầu. Nếu động thái hôm nay là bước đầu tiên để kết thúc kiểm soát đường cong lợi suất, thì điều này cho thấy rằng đồng yên có thể tăng giá đáng kể từ thời điểm này và các nhà đầu tư Nhật Bản có thể bắt đầu bán một số trái phiếu toàn cầu không được bảo hiểm bằng ngoại hối mà họ nắm giữ. Điều này đối với các đường cong trái phiếu dài hạn của Mỹ và châu Âu sẽ có xu hướng giảm hơn”, các chiến lược gia của TD Securities cho biết.
Mối quan tâm lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới là động thái của BOJ có thể cắt đứt mối ràng buộc cuối cùng còn lại đối với lợi suất trái phiếu toàn cầu và gây ra tình trạng bán tháo tài sản bằng đô la để ủng hộ đồng yên.
Nếu việc thắt chặt kéo dài khiến các nhà đầu tư Nhật Bản như ngân hàng và quỹ hưu trí bán các khoản đầu tư ở nước ngoài bao gồm cả cổ phiếu toàn cầu, thì điều đó thậm chí có thể gây ra sự lây lan giữa các tài sản bao gồm cả tài sản ở các thị trường mới nổi.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư hơn 3.000 tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu ở nước ngoài, với hơn một nửa số đó là ở Mỹ. Theo dữ liệu của Bloomberg, các quốc gia khác như Hà Lan, Úc và Pháp cũng dễ bị tổn thương trước khả năng quỹ Nhật Bản hồi hương.
“Việc cho phép tăng lãi suất có thể khiến dòng tiền từ nước ngoài của Nhật Bản tràn về nước như một cơn sóng thần. Đó là động thái thiết lập lại quy mô lớn”, nhà phân tích Amir Anvarzadeh cho biết.