Thị trường TPDN: Hậu quả “xây lâu đài trên cát” được cảnh báo từ 2020

(ĐTTCO) - Làn sóng bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ 2020 (Báo ĐTTC đã có bài cảnh báo số ra ngày 27-7-2020 với tiêu đề “Khi CTCK và ngân hàng lao vào môi giới TPDN”), có công lớn của những cá nhân, nhất là những người gửi tiền tiết kiệm “ngây thơ” đã trở thành nhà đầu tư (NĐT) TPDN. Vì sao nên nỗi? 
Bởi khi mặt bằng lãi suất thấp thì các bánh xe của cỗ máy “xay TPDN” với lãi suất cao và chạy trơn tru thì có thể lôi kéo thêm các NĐT mới. Điều này cho thấy rủi ro của một thị trường tăng trưởng quá nóng được dựa trên nền móng không vững chắc.

Làn sóng rút vốn
Một cơn bão thật sự đã xuất hiện trên thị trường TPDN: Các quỹ đầu tư TP “bạc mặt” tìm cách đáp ứng nhu cầu rút tiền khủng khiếp của NĐT. Làn sóng này bắt đầu dâng cao khi nổ ra vụ việc các lô TP của Tân Hoàng Minh bị hủy và việc “sử dụng vốn sai mục đích”, đã thổi bùng lên một cuộc chạy đua mua lại TP trước hạn. Rất nhiều NĐT mua TP của Tân Hoàng Minh là thông qua các đơn vị trung gian và không thật sự sở hữu TP. Do đó các NĐT cá nhân rối bời trong mớ bòng bong không biết phải đòi ai, đòi như thế nào để lấy lại vốn. Khi những thông tin này lan tràn, và nhu cầu rút vốn khỏi các quỹ đầu tư TP cũng được châm ngòi.
Thị trường TPDN: Hậu quả “xây lâu đài trên cát” được cảnh báo từ 2020 ảnh 1
Rất khó để biết áp lực rút vốn thật sự diễn ra như thế nào, vì hầu hết các quỹ đều cố gắng trấn an NĐT càng nhiều càng tốt. Hiếm hoi tại những cuộc họp nội bộ như cuối tháng 10 vừa qua giữa các thành viên Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA) mới được nghe “tâm sự” thật. Một số đại diện công ty quản lý quỹ TP thừa nhận trung bình trong 2 tuần giữa tháng 10, các quỹ TP bị rút 2-3% NAV (giá trị tài sản ròng) mỗi ngày.
Một thống kê khá chi tiết khác của Quỹ đầu tư TP Techcom (TCBF) – quỹ TP lớn nhất trên thị trường thời điểm hiện tại, là từ thời điểm 30-9-2022 đến giữa tháng 11-2022, lượng vốn bị rút khỏi các quỹ TP khoảng 9.906 tỷ đồng. Trong đó, bị rút nhiều nhất chính là quỹ TCBF với 6.359 tỷ đồng, tiếp đó là quỹ của MBBond (do MB Capital quản lý) với 1.514 tỷ đồng. Quỹ SSIBF do SSIAM quản lý bị rút 986 tỷ đồng... 
Hậu quả từ “một nửa sự thật”
Ngay từ giữa năm 2020, người viết đã từng cảnh báo về một “thị trường TP hoang dã” đang ngày càng phình to, khi chứng kiến những nhân viên tín dụng ngân hàng cố gắng thuyết phục những người gửi tiết kiệm bình thường, từ tiểu thương cho tới các “cụ hưu trí” tích cóp được vài trăm triệu đồng, lao vào mua TPDN.
Thực vậy, với quy mô phát hành hàng trăm ngàn tỷ đồng và ngày càng lớn dần từ 2018 đến nay, không có tổ chức trung gian nào hấp thụ hết được. TPDN riêng lẻ được tung ra theo quy trình: Tổ chức phát hành bán sơ cấp trọn gói cho một vài tổ chức trung gian; các tổ chức này chia nhỏ TP thành các sản phẩm phái sinh hoặc đẩy sang các quỹ TP. Các ngân hàng, công ty chứng khoán, thậm chí là công ty sân sau của tổ chức phát hành cố gắng tiếp cận khách hàng là người gửi tiền, các cá nhân bình thường khác thuyết phục họ góp tiền mua TP. 
Bởi khi môi trường lãi suất tiền gửi thấp khiến việc thuyết phục này trở nên dễ dàng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm chỉ 3-4%/năm được đem ra so sánh với lợi nhuận TP 8-9%, thậm chí là 12%/năm thời điểm 2020, nhưng các tư vấn viên vô tình “quên” nói về rủi ro. Những người gửi tiết kiệm “ngây thơ” được dụ dỗ mua chứng chỉ quỹ đầu tư TP với cam kết hưởng lãi suất cao, an toàn, rút tiền bất kỳ thời điểm. Các quỹ đầu tư TP huy động được nguồn lực khổng lồ nhờ những “NĐT nghiệp dư” này.
Thị trường TPDN: Hậu quả “xây lâu đài trên cát” được cảnh báo từ 2020 ảnh 2 Bìa Báo ĐTTC  đã có bài cảnh báo từ năm 2020.
Một bằng chứng là chính trong báo cáo quý III-2022 của quỹ TCBF, thống kê có tới 20.443 NĐT - chiếm 46,73% tổng số cổ đông quỹ, chỉ nắm giữ dưới 5.000 chứng chỉ quỹ và số này chiếm 1,99% tổng số chứng chỉ đang lưu hành. Nếu tính cả số lượng NĐT nắm giữ từ 10.000 chứng chỉ trở xuống, thì 61,5% số cổ đông chỉ nắm giữ 5,77% giá trị quỹ.
Nói dễ hiểu, số lượng NĐT góp vốn vài chục triệu hay vài trăm triệu tới vài tỷ đồng chiếm phần lớn quỹ. Một ước tính khác được nêu lên tại cuộc họp của VBMA, là khoảng 300.000 NĐT cá nhân tham gia mua TPDN, chưa kể các quỹ mở nhận đầu tư ủy thác qua những nền tảng điện tử như Finhay.
Điểm lý thú là khi “bong bóng” TPDN vỡ tung, bắt đầu có những lời thừa nhận – từ chính các đại diện quỹ tại cuộc họp của VBMA, rằng một trong những nguyên nhân khiến làn sóng rút vốn khỏi các quỹ TP dâng cao là tâm lý NĐT coi việc mua chứng chỉ quỹ TP như một khoản gửi tiết kiệm. Hay như chính Bộ Tài chính cũng phải nhiều lần lên tiếng rằng, đầu tư TPDN không phải là gửi tiết kiệm. 
Tại sao các NĐT lại có thể nhầm lẫn hai khái niệm cơ bản như vậy, nếu không phải là hậu quả của việc “nhắm mắt thuyết phục bừa” của các nhân viên tư vấn? Việc các cổ đông nghiệp dư nhận ra rằng đầu tư TP là có rủi ro, thậm chí là rủi ro mất trắng thì mới bắt đầu vội vã rút tiền về. Đó là một phản ứng bình thường, một hành động tự vệ chính đáng, và các quỹ đầu tư TP bị khô kiệt thanh khoản lúc này chính là hậu quả tất yếu.
Thị trường TPDN phát triển quá nhanh lại dựa trên nền tảng số đông là những người không có đầy đủ thông tin, kiến thức thì việc sụp đổ chỉ là thời điểm nào. Nếu không có những cú sốc như Tân Hoàng Minh, thắt chặt khung pháp lý thì bong bóng này vẫn sẽ phình to nữa trong các năm tới, thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng TP nữa được phát hành vô tội vạ qua quy trình “xay TP” nói trên và những nhà môi giới lại phải cố gắng “lùa” thêm hàng triệu người dân bình thường khác vào vòng xoáy này. Hậu quả khi đó là không thể lường hết được. 

Các tin khác